Giải đáp 4 vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
10/06/2023 15:49 PM

Giải đáp 4 vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là nội dung tại Công văn 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023.

Giải đáp 4 vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Giải đáp 4 vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (Hình từ internet)

Ngày 05/6/2023, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Công văn 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023 giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, thi hành tạm giữ và thi hành án hình sự.

Giải đáp 4 vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

1.

Vướng mắc: Dựa trên chủ trương của xã T về việc dồn điền đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thửa tại thôn Đ, cuối năm 2013, H là Bí thư chi bộ thôn Đ đã họp, chỉ đạo các thành viên Ban Dồn điền đổi thửa xã D tổ chức xử lý các hộ dân lấn chiếm đất thuộc địa phận thôn D quản lý, đưa ra mức giá thu 200.000đ/m2 đất lấn chiếm để lấy kinh phí xây nhà văn hóa và các công trình công cộng của thôn.

Từ tháng 12/2013 đến tháng 12/2014 các thành viên trong Ban Dồn điền đổi thửa thôn D đã thu tiền xử lý đất các hộ dân lấn chiếm với tổng diện tích là 521,1m2 và số tiền là 133.000.000 đồng. Ngoài ra, do thiếu kinh phí xây dựng Nhà văn hóa thôn nên năm 2015, các thành viên trong Ban Dồn điền đổi thửa thôn Đ đã cho các hộ dân đấu giá 3856,5m2 đất thu 296.600.000 đồng (thực chất là chuyển quyền sử dụng đất).

Toàn bộ số tiền thu được nêu trên đã được sử dụng để xây dựng Nhà văn hóa thôn Đ. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng huyện A đã kết luận định giá toàn bộ diện tích đất giao trái thẩm quyền nêu trên là 207.517.500 đồng. Hành vi của H và các thành viên trong Ban Dồn điền đổi thửa thôn Đ đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.

Xác định bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trong vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” nêu trên?

Trả lời:

Theo quy định Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.

Theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”.

Trong vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” nêu trên, hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo đã gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức được pháp luật bảo vệ, bởi vậy cần xác định Nhà nước là bị hại.

Đối với người dân, mặc dù họ có bị thiệt hại về tài sản nhưng trước đó họ đã lấn chiếm diện tích đất này để sử dụng, không phải là người có quyền sử dụng đất hợp pháp nên thiệt hại này chỉ là thiệt hại gián tiếp, liên quan đến hành vi phạm tội nên cần xác định họ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là phù hợp.

2. 

Vướng mắc: Việc Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm là công chức hay không thì có ảnh hưởng đến thẩm quyền tiến hành tố tụng trong hoạt động khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự không?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 4, Điều 35 và Điều 39 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Điều 34 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự 2015 thì cơ quan Kiểm lâm, Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm là cơ quan, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.

Việc pháp luật khác có quy định cụ thể Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm là công chức hay không cũng không làm ảnh hưởng đến việc họ là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong hoạt động khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, pháp luật về tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.

3. 

Vướng mắc: Điểm b khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định “vật chứng là tiền... phải được giám định ngay sau khi thu thập”. Vậy có phải mọi trường hợp vật chứng là tiền thì đều bắt buộc phải trưng cầu giám định không?

Trả lời:

Mặc dù điểm b khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về giám định, nhưng đây chỉ là quy định về thời điểm giám định: “ngay sau khi thu thập”.

Để xác định các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định thì phải áp dụng những quy định cụ thể tại Chương XV Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Cụ thể, theo khoản 5 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi cần xác định tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ thì cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành trưng cầu giám định.

Như vậy, trường hợp vật chứng là tiền trong các vụ án đối tượng phạm tội là tiền giả hoặc khi có căn cứ nghi ngờ tiền thu giữ là tiền giả thì cơ quan tiến hành tố tụng mới phải (bắt buộc) trưng cầu giám định, không phải mọi trường hợp vật chứng là tiền thì đều bắt buộc trưng cầu giám định.

4.

Vướng mắc: Cơ quan điều tra kết luận điều tra, đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can theo khoản 1 nhưng quá trình nghiên cứu hồ sơ xác định bị can phạm tội theo khoản 2 thì Viện kiểm sát có truy tố bị can theo khoản 2 được không? Có cần thiết phải trả hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại các Điều 236, 240, 243 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và điểm a khoản 2 Điều 3, Điều 16 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố theo khoản khác với khoản mà Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố nêu trong bản kết luận điều tra nếu có đủ căn cứ, thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát đó.

Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP, khi xét thấy bị can phạm tội theo khoản nặng hơn trong giai đoạn truy tố, ngoài việc dựa vào kết quả điều tra và hồ sơ vụ án do Cơ quan điều tra thu thập, chứng minh trong giai đoạn điều tra thì:

Trường hợp xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để yêu cầu điều tra bổ sung, Viện kiểm sát có quyền tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn truy tố để củng cố, bổ sung chứng cứ, bảo đảm quyết định việc truy tố được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội.

Do vậy, trường hợp Cơ quan điều tra đề nghị truy tố theo khoản 1 của điều luật mà Viện kiểm sát thấy có căn cứ xác định bị can phạm tội theo khoản 2 trong cùng điều luật mà Viện kiểm sát xét thấy có thể tự mình củng cố, bổ sung chứng cứ mà không cần thiết phải trả hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung

Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra và quyết định việc truy tố bị can theo điểm, khoản phù hợp của Bộ luật Hình sự, khác với đề nghị truy tố của Cơ quan điều tra.

Xem thêm Công văn 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,020

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]