Quy định về hoạt động cấp cứu người bệnh từ ngày 01/01/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
16/08/2023 15:18 PM

Xin hỏi hoạt động cấp cứu người bệnh từ ngày 01/01/2024 được quy định như thế nào trong Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023? - Hoàng Sinh (Yên Bái)

Hoạt động cấp cứu người bệnh từ ngày 01/01/2024 được quy định cụ thể tại Điều 61 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 với các nội dung quan trọng như sau:

Các hoạt động cấp cứu

Hoạt động cấp cứu bao gồm:

- Cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Cấp cứu ngoại viện.

Quy định về hoạt động cấp cứu người bệnh từ ngày 01/01/2024

Quy định về hoạt động cấp cứu người bệnh từ ngày 01/01/2024 (Hình từ internet)

Cơ sở thực hiện việc cấp cứu

Việc cấp cứu phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá, phân loại và áp dụng các biện pháp chuyên môn kỹ thuật phù hợp với tình trạng của người bệnh.

Trong trường hợp cần áp dụng những biện pháp cấp cứu khẩn cấp mà chưa có sự đồng ý của người đại diện của người bệnh thì người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quyền quyết định.

Yêu cầu đối với trường hợp cấp cứu cần sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật

Khi việc cấp cứu cần sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

- Tổ chức hội chẩn theo quy định tại Điều 64 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023;

Theo đó, việc hội chẩn được thực hiện khi bệnh vượt quá khả năng chẩn đoán và điều trị của người hành nghề hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đã điều trị nhưng bệnh không có tiến triển tốt hoặc có diễn biến xấu đi. Kết quả hội chẩn phải được thể hiện bằng văn bản và được lưu trữ trong hồ sơ bệnh án.

- Đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hỗ trợ cấp cứu;

- Hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa;

- Chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp.

Một số quy định liên quan đến hoạt động cấp cứu ngoại viện

(1) Hoạt động cấp cứu ngoại viện bao gồm:

- Hoạt động sơ cứu do người có kiến thức hoặc đã qua đào tạo về cấp cứu ngoại viện thực hiện;

- Hoạt động cấp cứu do cấp cứu viên ngoại viện hoặc người hành nghề thực hiện.

(2) Hệ thống cấp cứu ngoại viện được tổ chức dựa trên các tiêu chí cơ bản sau đây:

- Phù hợp với quy mô dân số;

- Phù hợp với đặc điểm địa lý của từng địa bàn;

- Bảo đảm khả năng tiếp nhận và vận chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong khoảng thời gian ngắn nhất.

(3) Kinh phí cho hoạt động cấp cứu ngoại viện bao gồm:

- Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho đầu tư thiết lập hệ thống cơ sở cấp cứu ngoại viện của Nhà nước; hệ thống tiếp nhận thông tin và điều phối cấp cứu; chi phí vận chuyển và sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình vận chuyển cấp cứu đối với trường hợp tai nạn, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh; chi phí quản lý, vận hành cơ sở cấp cứu ngoại viện của Nhà nước;

- Người sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện chi trả chi phí sử dụng dịch vụ theo quy định tại Điều 18 và Điều 110 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023, trừ trường hợp quy định nêu trên.

Một số quy định khác về cấp cứu

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm ưu tiên điều kiện tốt nhất về nhân lực, thiết bị y tế, thuốc cho việc cấp cứu người bệnh và chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức hệ thống cấp cứu ngoại viện của Nhà nước trên địa bàn quản lý.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,182

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]