Hướng dẫn xử lý vật chứng, tài sản trong thi hành án dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
18/08/2023 10:59 AM

Xin cho tôi hỏi vật chứng, tài sản và một số vấn đề về án phí, tiền phạt trong thi hành án dân sự được xử lý như thế nào? - Tấn Phúc (Cần Thơ)

Hướng dẫn xử lý vật chứng, tài sản trong thi hành án dân sự

Hướng dẫn xử lý vật chứng, tài sản trong thi hành án dân sự (Hình từ internet)

Ngày 14/8/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự.

1. Hướng dẫn xử lý vật chứng, tài sản trong thi hành án dân sự

Cụ thể tại Điều 12 Thông tư 04/2023/TT-BTP hướng dẫn xử lý vật chứng, tài sản và một số vấn đề liên quan đến án phí, tiền phạt trong thi hành án dân sự như sau:

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản theo quy định tại Điều 125 Luật Thi hành án dân sự, Điều 33 Nghị định 62/2015/NĐ-CP trong các trường hợp sau:

+ Vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu hủy theo bản án, quyết định;

+ Tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự;

+ Tài sản của người phải thi hành án trong trường hợp cưỡng chế trả nhà, giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất nhưng bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng mà đương sự không nhận hoặc không xác định được địa chỉ.

Việc tiêu hủy vật chứng, tài sản phải lập biên bản, ghi rõ hiện trạng của vật chứng, tài sản tiêu hủy, họ tên, chữ ký của các thành viên Hội đồng tiêu hủy; biên bản phải gửi cho Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan tài chính cùng cấp và lưu hồ sơ thi hành án.

- Đối với giấy tờ liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự được bản án, quyết định tuyên trả lại cho đương sự thì hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo, nếu đương sự không đến nhận, Chấp hành viên làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành giấy tờ đó theo quy định tại khoản 3 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự.

- Trường hợp quyết định về án phí, phạt tiền, tịch thu vật chứng, tài sản tạm giữ đã được thi hành nhưng sau đó phát hiện có sai sót và đã có quyết định hủy bỏ quyết định về án phí, phạt tiền, tịch thu thì cơ quan thi hành án dân sự lập hồ sơ đề nghị cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan tài chính cấp tỉnh nơi cơ quan thi hành án cấp quân khu có trụ sở để làm thủ tục hoàn trả số tiền, tài sản đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 4 Điều 124 Luật Thi hành án dân sự.

Trường hợp số tiền, tài sản phải nộp ngân sách lớn hơn số tiền, tài sản làm thủ tục hoàn trả thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện đối trừ trực tiếp để làm thủ tục hoàn trả.

Hồ sơ đề nghị hoàn trả gồm:

+ Các quyết định về án phí, tiền phạt, tịch thu vật chứng, tài sản và các quyết định hủy bỏ quyết định về án phí, tiền phạt, vật chứng, tài sản có liên quan đến khoản tiền, tài sản được hoàn trả;

+ Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành hoặc các chứng từ liên quan đến việc giao nhận tài sản tịch thu (trường hợp cơ quan thi hành án dân sự nộp tiền thay đương sự và số tiền đó nằm trong cùng số tiền của nhiều đương sự khác thì phải có bảng kê ghi họ tên các đương sự kèm theo giấy nộp tiền đó);

Trường hợp số tiền, tài sản nộp ngân sách không đủ để thực hiện đối trừ trực tiếp thì ngoài các giấy tờ trên còn có văn bản đề nghị hoàn trả án phí, tiền phạt, vật chứng, tài sản của cơ quan thi hành án dân sự.

2. Hướng dẫn bảo quản vật chứng, tài sản trong thi hành án dân sự

Căn cứ theo Điều 11 Thông tư 04/2023/TT-BTP hướng dẫn bảo quản vật chứng, tài sản trong thi hành án dân sự như sau:

- Vật chứng, tài sản phải được bảo quản theo quy định của pháp luật, có sổ ghi chép rõ ràng, đầy đủ theo quy định tại Mẫu số 13, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 04/2023/TT-BTP và lập thẻ kho theo vụ việc theo quy định tại Mẫu số D67-THADS, Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 04/2023/TT-BTP.

Mẫu số 13

Mẫu số D67-THADS

Vật chứng, tài sản để trong kho phải sắp xếp gọn gàng, khoa học, có dán nhãn, ghi rõ tên của vụ án, chủ sở hữu của tài sản (nếu có) gắn vào từng loại tài sản. Việc bảo quản vật chứng, tài sản phải bảo đảm nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng hoặc gây ô nhiễm môi trường, gây nguy hại cho tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và tính mạng, sức khỏe của con người.

Vật chứng do cơ quan điều tra chuyển giao nhưng vụ án chưa xét xử xong phải được sắp xếp, bảo quản riêng, không để lẫn lộn với vật chứng, tài sản của các vụ việc đã có quyết định thi hành án.

Trường hợp số lượng vật chứng, tài sản quá lớn, không thể bố trí bảo quản tại cơ quan thi hành án dân sự thì tùy từng trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thể thuê cơ quan, đơn vị có điều kiện bảo quản.

Việc bảo quản vật chứng là tiền, giấy tờ có giá, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, động vật, thực vật và các vật chứng khác liên quan đến lĩnh vực y tế cần có điều kiện bảo quản đặc biệt thì việc bảo quản thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định hiện hành của Chính phủ.

Người được giao trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi phát hiện vật chứng, tài sản bị mất mát, hư hỏng hoặc thay đổi hiện trạng niêm phong phải kịp thời báo cáo Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

- Thủ kho chỉ được nhập, xuất vật chứng, tài sản khi có lệnh của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Lệnh nhập, xuất kho theo quy định tại Mẫu số D65-THADS và D66-THADS Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 04/2023/TT-BTP. Khi nhập hoặc xuất kho, thủ kho có trách nhiệm kiểm tra lệnh nhập, xuất và các giấy tờ cần thiết của người đến giao, nhận vật chứng, tài sản.

Mẫu số D65-THADS
Mẫu số D66-THADS

Việc nhập, xuất vật chứng, tài sản phải có phiếu nhập, xuất kho theo quy định tại Mẫu số C04-THADS và C05-THADS ban hành kèm theo Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 04/2023/TT-BTP.

Mẫu số C04-THADS
Mẫu số C05-THADS

- Trường hợp vật chứng cần trích xuất để phục vụ cho hoạt động tố tụng thì cơ quan yêu cầu trích xuất phải có văn bản gửi cơ quan thi hành án dân sự. Căn cứ đề nghị của cơ quan yêu cầu trích xuất và quy định của pháp luật, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự quyết định việc xuất kho để chuyển giao cho cơ quan yêu cầu.

Cơ quan yêu cầu trích xuất vật chứng phải đến nhận vật chứng tại kho của cơ quan thi hành án dân sự hoặc tại nơi đang giữ vật chứng và chịu trách nhiệm vận chuyển, bảo quản trong quá trình quản lý vật chứng đó. Việc giao nhận vật chứng sau khi trích xuất phục vụ cho hoạt động tố tụng được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư 04/2023/TT-BTP.

- Định kỳ hàng quý, 06 tháng và năm, cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện chế độ kiểm kê kho bảo quản vật chứng, tài sản. Việc kiểm kê vật chứng, tài sản phải được lập biên bản, ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm kiểm kê; tên, số lượng và tình trạng của từng loại vật chứng, tài sản, có chữ ký của kế toán, thủ kho và Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.

Xem thêm Thông tư 04/2023/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 01/10/2023 thay thế Thông tư 01/2016/TT-BTP.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,504

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]