"Sếp" DN công ích: Tối đa chỉ 30 triệu/tháng

28/08/2013 14:53 PM

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân nhẩm tính, theo quy định, thì mức lương tối đa của lãnh đạo các doanh nghiệp công ích này chỉ vào khoảng 30 triệu đồng/tháng.

Năm 2012, lương của giám đốc công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị là 2,6 tỉ đồng (cao gấp 41 lần lương bình quân của công ty); lương giám đốc công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn là 856 triệu đồng; lương giám đốc công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng là 2,2 tỉ đồng, công ty TNHH MTV Công viên cây xanh phải chi cho giám đốc 759 triệu đồng/năm.

Đang yêu cầu công ty Công viên cây xanh báo cáo

Sau khi có kết luận của UBND liên quan đến việc chi lương khủng cho lãnh đạo ở công ty Công viên cây xanh, ngày 27.8, trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, bà Nguyễn Thị Hiền Lương, phó giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM (phụ trách mảng công viên cây xanh) cho hay, thực tế sở này chỉ lãnh đạo công ty Công viên cây xanh về mặt Đảng mà thôi. Còn công ty này hoạt động theo luật Doanh nghiệp và chịu sự quản lý trực tiếp của UBND từ năm 2010.

“Ở khía cạnh lãnh đạo mặt Đảng nên mới đây chúng tôi đã yêu cầu công ty Công viên cây xanh báo cáo cụ thể vụ việc. Đặc biệt, theo yêu cầu của UBND TP.HCM thì hiện tại sở Giao thông vận tải đang xây dựng bộ định mức lao động áp dụng đối với sản phẩm công ích là cây xanh. Bộ định mức này chúng tôi xây dựng sắp hoàn thành và sẽ báo cáo sớm”, bà Lương nói.

Đ. L

Trước tình trạng cuộc sống người dân còn nhiều bất trắc từ việc ngập lụt, đường sá giao thông ngổn ngang, cây xanh gãy đổ, đèn đường luộm thuộm... thì thông tin trên (từ kết luận của UBND TP.HCM) đã gây bức xúc cho người dân TP.HCM. Còn ông Phạm Minh Huân, thứ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội vô cùng ngạc nhiên về cách tính làm thế nào để giám đốc mấy công ty công ích tại TP.HCM được hưởng mức lương cao ngất như vậy.

Theo ông Huân, lương của các lãnh đạo, các vị trí chủ chốt trong các doanh nghiệp nhà nước năm 2012 được quy định tại nghị định 206 năm 2004, có khống chế mức trần. Theo tính toán của tôi, mức lương tối đa của lãnh đạo các doanh nghiệp công ích này khoảng 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào việc quy định đơn giá tiền lương vào các sản phẩm công ích như thế nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng bao nhiêu để ra mức lương đó. Tuy nhiên tôi khẳng định, nếu áp đúng theo các quy định thì không thể nào có được mức lương gấp bảy lần mức lương tối đa được.

Ông có thể nói cụ thể hơn về các quy định xác định tiền lương của lãnh đạo những doanh nghiệp này?

Dựa trên hướng dẫn của bộ Lao động – thương binh và xã hội, bộ Xây dựng có hướng dẫn xây dựng đơn giá tiền lương trong các sản phẩm công ích. Bộ Xây dựng quyết định doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu vùng là bao nhiêu, nhưng không vượt quá hai lần mức lương tối thiểu vùng chung do Chính phủ quy định để xác định đơn giá tiền lương. Từ đơn giá này doanh nghiệp sẽ xây dựng quỹ lương kế hoạch (theo kế hoạch công việc của năm) để trình cơ quan chủ quản phê duyệt. Người lao động, bao gồm cả lãnh đạo doanh nghiệp hàng tháng được tạm ứng 80% lương theo kế hoạch, đến cuối năm nếu hoàn thành kế hoạch công việc sẽ được lấy nốt 20% lương còn lại.


Dư luận bức xúc khi biết lương giám đốc công ty thoát nước 2,6 tỉ đồng/năm, trong khi người dân thành phố phải lội nước khi mưa. Ảnh: Từ An

Như ông nói, việc lương cao có thể do đơn giá tiền lương trong các sản phẩm công ích cao. Liệu có chuyện người dùng các dịch vụ công ích, Nhà nước đang phải trả phí dịch vụ công ích cao vì tiền lương trong đó cao ngất ngưởng như vậy?

Việc xây dựng đơn giá tiền lương trong các sản phẩm công ích đô thị do bộ Xây dựng ban hành và có định mức. Bộ Lao động – thương binh và xã hội chỉ ban hành định mức ở những doanh nghiệp công ích quan trọng của quốc gia. Do vậy cần kiểm tra lại đơn giá này mới khẳng định được có chuyện dân phải trả phí dịch vụ công ích cao hay không.

Hiện tại, TP.HCM đã khẳng định là những doanh nghiệp này có chi sai và quyết định thu hồi. Theo ông thì việc các công ty này chi lương như vậy xuất phát từ đâu?

Tôi cũng không hiểu tính theo cách nào để ra được số lương gấp tới bảy lần mức lương tối đa như vậy. Bộ Lao động – thương binh và xã hội cũng đã yêu cầu sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM báo cáo vì các trường hợp này do sở quản lý. Tuy nhiên, tôi chắc chắn cách tính “có vấn đề” mới ra được mức lương như vậy, hoặc họ tính không căn cứ vào quy định nào cả. Cụ thể thế nào, sau khi có văn bản báo cáo sẽ rõ.

Lấy tiền của người lao động

Theo thông báo kết luận ngày 26.8 của phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà về việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động, tiền lương, thì một thời gian dài ba công ty công ích (100% vốn nhà nước – trực thuộc UBND TP.HCM) trên địa bàn TP.HCM là công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn, công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng… đã làm sai quy định của bộ luật Lao động, gây thiệt thòi cho hàng trăm lao động khoán việc (thời vụ), dù theo quy định họ được hưởng chế độ hợp đồng không xác định thời hạn với mức thu nhập cao hơn.

Theo thông báo kết luận của ông Lê Mạnh Hà, công ty Thoát nước đô thị đã vi phạm nghiêm trọng quy định của bộ luật Lao động trong việc ký kết các hợp đồng lao động. Theo đó đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 500 lao động tại công ty này. Cụ thể, công ty đã vi phạm về việc ký hợp đồng mùa vụ với thời hạn dưới ba tháng đối với 163 người lao động thường xuyên và ký hợp đồng có thời hạn đối với 355 trường hợp đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Tương tự, công ty Công trình giao thông Sài Gòn, từ nhiều năm qua cũng đang “tước đoạt” quyền lợi chính đáng của hơn 210 lao động kể cả mùa vụ và hợp đồng có thời hạn, trong khi đáng ra những người lao động mùa vụ thường xuyên của công ty này phải được ký hợp đồng lao động có thời hạn, tiến tới ký hợp đồng không xác định thời hạn. Ban lãnh đạo các công ty trên đã sử dụng quỹ lương trên của người lao động để chi tiền lương, tiền thưởng cho các viên chức quản lý sai quy định.

Cụ thể, năm 2012, lương của giám đốc công ty Thoát nước đô thị là 2,6 tỉ đồng (cao gấp 41 lần lương bình quân của công ty); lương giám đốc công ty Công trình giao thông Sài Gòn năm 2012 là 856 triệu đồng; lương giám đốc công ty Chiếu sáng công cộng là 2,2 tỉ đồng, công ty Công viên cây xanh phải chi cho giám đốc là 759 triệu đồng/năm.

UBND TP.HCM yêu cầu, trước mắt hội đồng thành viên công ty Thoát nước đô thị thu hồi toàn bộ số tiền trên 3,2 tỉ đồng được lấy từ quỹ lương chi sai quy định cho các viên chức quản lý trong năm 2011; hội đồng thành viên công ty Công trình giao thông Sài Gòn phải thu hồi hơn 544 triệu đồng chi sai cho cán bộ quản lý năm 2011.

Tương tự, hội đồng thành viên công ty Chiếu sáng công cộng phải thu hồi hơn 2,5 tỉ đồng do “bội chi” cho lãnh đạo. Yêu cầu công ty Thoát nước đô thị, công ty Công trình giao thông Sài Gòn, phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi của người lao động đã bị tước đoạt như đã nêu trên như bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác; đền bù các thiệt hại do áp dụng các chế độ bất bình đẳng giữa những người lao động trong công ty. Sau kết luận này, các đơn vị liên quan trên phải tổ chức kiểm điểm từng cá nhân sai phạm và đề xuất hình thức kỷ luật. Tất cả các biện pháp thu hồi tiền chi sai, khôi phục quyền lợi người lao động, kiểm điểm cá nhân sai phạm phải báo cáo thành phố trước ngày 15.9.2013.

Đoàn Quý

Tây Giang

Theo SGTT

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,556

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]