Bãi bỏ 04 Thông tư về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lĩnh vực thủy sản từ ngày 01/11/2023 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 23/8/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 05/2023/TT-BNNPTNT bãi bỏ một số Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lĩnh vực thủy sản.
Theo đó, kể từ ngày 01/11/2023, các Thông tư về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lĩnh vực thủy sản sẽ bị bãi bỏ toàn bộ bao gồm:
(1) Thông tư 82/2009/TT-BNNPTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất thủy sản.
(2) Thông tư 22/2014/TT-BNNPTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản.
(3) Thông tư 16/2015/TT-BNNPTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản
(4) Thông tư 12/2017/TT-BNNPTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu kỹ thuật đối cơ sở sản xuất giống và nuôi cá rô phi.
Thông tư 05/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2023.
Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 78/2018/NĐ-CP, để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật theo pháp luật Việt Nam thì cần phải đảm bảo các yêu cầu chung sau đây:
- Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên ký kết, tham gia.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt kế hoạch xây dựng QCVN, QCĐP thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại các Điều 29, 60, 61 Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sau khi có ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống.
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm góp ý đối với kế hoạch xây dựng QCVN, QCĐP trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn đề nghị của cơ quan xây dựng kế hoạch.
- Ưu tiên xây dựng quy chuẩn kỹ thuật Điều chỉnh theo nhóm các đối tượng tương đồng về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý.
- Quy định biện pháp quản lý và mức giới hạn về các đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường trực tiếp phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe, môi trường; bảo vệ động vật, thực vật; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; tôn trọng quyền tự do sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
- Nội dung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được viện dẫn đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khác, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài.
- Trường hợp viện dẫn đến tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài đối với các yêu cầu kỹ thuật, cơ quan ban hành phải bảo đảm sẵn có bản tiếng Việt của tài liệu viện dẫn để cá nhân, tổ chức tham khảo khi được yêu cầu.
- Khi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật phải rà soát các quy định về thừa nhận tương đương, bảo đảm tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên ký kết, tham gia.
Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật có khả năng tạo rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế, cơ quan ban hành phải gửi dự thảo quy chuẩn kỹ thuật đến Bộ Khoa học và Công nghệ để gửi lấy ý kiến quốc tế theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên ký kết, tham gia.