Áp dụng thống nhất quy định về thủ tục hải quan
Thông tư 128/2013/TT-BTC khi có hiệu lực sẽ sửa đổi và thay thế các quy định nằm rải rác trong 11 văn bản khác, giúp người thực hiện thủ tục hải quan có thể dễ dàng tra cứu và áp dụng các quy định của pháp luật một cách thống nhất.
Các quy định tại thông tư 194/2010/TT-BTC cũng được thông tư này điều chỉnh lại cho phù hợp với Luật quản lý thuế sửa đổi 2012, Nghị định 83/2013/NĐ-CP… và tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong thực tế
Nới lỏng một số thủ tục
Thông tư bãi bỏ quy định lấy mẫu, lưu mẫu đối với nguyên liệu, vật tư phục vụ gia công, SXXK do việc lấy mẫu chỉ thực hiện được đối với mặt hàng dệt may, da giày.
Các ngành nghề, lĩnh vực khác như đóng tàu, cơ khí, thủy sản, điện tử thì có lấy mẫu cũng khó đối chiếu được mẫu với thành phẩm XK.
Bên cạnh đó, việc lưu mẫu để phục vụ mục đích kiểm tra sau thông quan cũng không đạt được do pháp luật hiện hành quy định thời hạn kiểm tra sau thông quan là 5 năm, trong khi đó mẫu sản phẩm được lưu trong thời hạn thực hiện hợp đồng gia công là 1 năm và thời hạn thanh khoản tờ khai nhập SXXK là 45 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai XK.
Cùng với việc bỏ quy định lấy mẫu, lưu mẫu, quy định về thông báo định mức đối với hàng SXXK cũng được sửa đổi theo hướng DN chỉ thông báo định mức nguyên liệu chính với cơ quan Hải quan, việc thông báo sẽ được thực hiện trước hoặc cùng thời điểm XK lô hàng đầu tiên của mã sản phẩm trong bảng thông báo định mức nguyên liệu chính.
Đồng thời để giải quyết các vướng mắc về điều chỉnh định mức sau khi XK do các nguyên nhân khách quan, Thông tư bổ sung quy định cho điều chỉnh định mức sau khi XK sản phẩm, nhưng trước thời điểm nộp hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế (khoản 4 điều 37).
Ngoài ra, Thông tư cũng bãi bỏ việc nộp đơn chuyển cửa khẩu khi làm thủ tục hải quan hàng chuyển cửa khẩu (mẫu 22-ĐCCK/2010 trước đây)
Hồ sơ thanh khoản, hoàn thuế, không thu thuế đối với một số loại hình XNK (nhập SXXK, TNTX, DN chế xuất…) cũng được đơn giản theo hướng những hồ sơ chứng từ đã có lưu tại cơ quan Hải quan thì không yêu cầu DN phải nộp, xuất trình khi làm thủ tục hoàn thuế, không thu thuế, cơ quan Hải quan kiểm tra và xác nhận vào tất cả báo cáo thanh khoản, báo cáo nhập-xuất-tồn của DN nộp mà việc kiểm tra dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển dần sang kiểm tra sau thông quan và DN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo cáo.
Quy định chặt hơn trong công tác quản lý
Để đảm bảo công tác quản lý, giám sát hải quan đối với hàng hóa XNK, Thông tư cũng bổ sung quy định về Đăng ký tờ khai hải quan, trong đó có quy định cụ thể địa điểm đăng ký (khoản 1 điều 13) để đảm bảo hàng hóa được lưu giữ hoặc được chuyển về địa điểm nào thì phải đăng ký tờ khai hải quan tại chi cục hải quan quản lý địa điểm đó, tránh tình trạng hàng hóa về một nơi, nhưng lại làm thủ tục nơi khác hoặc hàng hóa sau khi đăng ký tờ khai bị phân luồng Đỏ thì DN lại đề nghị hủy và đăng ký tờ khai mới tại chi cục hải quan khác.
Thông tư bổ sung các quy định về điều kiện thành lập và yêu cầu giám sát hàng hóa gửi kho ngoại quan, kho bảo thuế.
Cụ thể, quy định chặt hơn các điều kiện thành lập kho ngoại quan theo hướng tăng diện tích kho ngoại quan, yêu cầu giám sát trực tiếp của công chức hải quan… để hạn chế việc thành lập tràn lan các kho ngoại quan quy mô nhỏ và từng bước hình thành hệ thống kho ngoại quan với quy mô lớn.
Bên cạnh đó, để tránh trường hợp DN kho bảo thuế “lách” quy định về điều kiện được ân hạn thuế 275 ngày đối với nguyên liệu, vật tư NK để SXXK, Thông tư quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thẩm quyền thành lập kho bảo thuế trên cơ sở Điều 27 Nghị định 154/2005/NĐ-CP và cụ thể hóa các điều kiện để đảm bảo yêu cầu giám sát, quản lý hải quan như quy định DN phải đáp ứng đủ các điều kiện để được ân hạn thuế 275 ngày; phải có phần mềm quản lý hàng hóa nhập, xuất kho và có camera giám sát kết nối mạng với cơ quan Hải quan.
Đối với hàng hóa TNTX chuyển cửa khẩu, Thông tư quy định rõ trách nhiệm của chi cục hải quan làm thủ tục tạm nhập, chi cục hải quan cửa khẩu tái xuất, Đội kiểm soát hải quan trong việc thực hiện thủ tục hải quan, giám sát hàng hóa vận chuyển từ cửa khẩu tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất (bàn giao hồ sơ, bàn giao hàng hóa), việc truy tìm hàng hóa trong trường hợp không đi đúng tuyến đường, thời gian đã đăng ký với cơ quan Hải quan.
Về việc đưa hàng hóa về bảo quản, Thông tư quy định hàng hóa NK chỉ được đưa về bảo quản tại các địa điểm nếu đáp ứng các điều kiện giám sát hải quan nhằm đảm bảo hàng hóa phải chịu sự giám sát hải quan từ khi đến cửa khẩu đến khi thông quan hàng hóa.
Mục đích của việc này là nhằm tránh tình trạng hàng hóa sau khi đưa về bảo quản, DN tự ý đưa vào tiêu thụ trước khi có kết quả kiểm tra hoặc DN không chịu nộp kết quả kiểm tra hoặc kết quả kiểm tra không đạt điều kiện NK nhưng DN đã đưa hàng đi tiêu thụ dẫn đến không thể xử lý số hàng hóa đó được.
Thông tư 128/2013/TT-BTC sẽ có hiệu lực từ ngày 01/11/2013./.
Đình Phước tổng hợp