Đưa chế định ly thân vào luật Hôn nhân và gia đình

02/10/2013 09:20 AM

Tại Hội nghị tham vấn về Dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) sửa đổi do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hôm qua (1/10), các đại biểu rất tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật này nhưng vẫn còn đôi chút băn khoăn...

Tạo cơ sở pháp lý để giải quyết nhu cầu ly thân

Có thể nói rằng, ly thân là vấn đề thực tiễn ở Việt Nam. Vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng hoặc vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn ly thân như là giải pháp để giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ hôn nhân giữa họ với nhau. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân trong việc lựa chọn cách ứng xử phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình và của bản thân. Có điều, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa quy định về ly thân nên nguyện vọng trên không thực hiện được.

Vì vậy, theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ, đã đến lúc pháp luật không thể né tránh thực tiễn và nhu cầu này của người dân, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Dự kiến, sẽ bổ sung các quy định như quyền của vợ chồng trong việc yêu cầu giải quyết ly thân của vợ chồng, hiệu lực của ly thân, chấm dứt ly thân, giải quyết yêu cầu ly hôn trong thời gian vợ chồng ly thân.

Ông Huệ lý giải: Việc Luật HN&GĐ công nhận, thực hiện quyền yêu cầu của người dân về ly thân thực chất là cụ thể hóa quy định của Luật hiện hành về trách nhiệm của Nhà nước có chính sách, biện pháp tạo điều kiện để người dân xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, trong đó có quyền tự nguyện giải quyết mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân của mình; mặt khác, tạo cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của người dân về ly thân, qua đó vừa bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, vừa góp phần ổn định các quan hệ gia đình và các quan hệ xã hội khác có liên quan.

Kết hôn đồng giới: “không thừa nhận” , càng kỳ thị?

Cũng theo ông Huệ, một trong những quy định hết sức nhân văn của Dự thảo Luật lần này là đã bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người có cùng giới tính”, thay bằng cụm từ “không thừa nhận”. Ông Huệ chia sẻ, từ “cấm” nghe rất nặng nề, trong khi “không thừa nhận” có ý nghĩa nhẹ hơn và sẽ giảm sự phân biệt đối xử với người đồng tính.

Sở dĩ chưa thể thừa nhận kết hôn đồng giới bởi đây vẫn là vấn đề nhạy cảm với xã hội Việt Nam, và muốn thừa nhận điều này cần phải có lộ trình, tương tự với cách làm của những nước đã cho phép kết hôn đồng giới. “Cả thế giới có gần 200 quốc gia nhưng đến nay mới chỉ 16 nước thừa nhận kết hôn đồng giới. Thậm chí, Pháp là đất nước rất văn minh, tiến bộ cũng chỉ vừa mới cho phép người đồng tính kết hôn” - ông Huệ dẫn chứng.

Tại Hội nghị tham vấn, một vị phụ huynh có con đồng tính cho rằng, thuật ngữ “không thừa nhận” càng làm người đồng tính tăng thêm cảm giác bị kỳ thị. “Người ta thường nói đứa con vô thừa nhận, người vợ vô thừa nhận. Vậy cụm từ “không thừa nhận” càng làm tổn thương thêm cho cộng đồng này” - bà chia sẻ.

TS Nguyễn Văn Cừ (Khoa Pháp luật dân sự,  Đại học Luật Hà Nội) lại đồng tình: Luật bỏ quy định “cấm” bằng “không thừa nhận” là phù hợp với xã hội hiện nay khi mà quan niệm về kết hôn nam nữ, sinh con duy trì nòi giống đã ăn sâu vào tiềm thức, nhất là ở khu vực nông thôn. “Tôi ước tính vẫn hơn 80% người dân chưa nhận thức được về vấn đề này, vẫn còn số đông người Việt không dễ chấp nhận cho phép kết hôn đồng giới” - ông Cừ nói và cho rằng Dự luật chỉ không cho phép duy nhất một điều là đăng ký kết hôn đồng giới.

Hoàng Thư

Theo Pháp luật VN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,832

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]