Theo KTNN, quy định hiện hành cho phép KTNN được trích 2% số tiền phát hiện sai phạm và nguồn kinh phí này được dành chi cho thưởng CBCC, người lao động và đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường năng lực hoạt động của ngành. Tuy nhiên, nguồn kinh phí trên hiện nay đang có xu hướng giảm do cơ chế tài chính của Nhà nước ngày càng được hoàn thiện, rõ ràng và minh bạch. Bên cạnh đó, số biên chế công chức của KTNN tới đây sẽ được tăng dần từ 1.974 lên 2.600 người vào năm 2015. Do đó nguồn kinh phí 2% nói trên không đủ để thực hiện chế độ ưu tiên đối với CBCC. “Điều kiện làm việc của đội ngũ CBCC, kiểm toán viên nhà nước rất khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động; phương tiện và điều kiện làm việc còn thiếu như phương tiện đi lại, hệ thống công nghệ thông tin, máy tính cá nhân” - Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn cho hay.
Vì lý do trên, KTNN đề nghị sửa đổi các quy định trên theo hai phương án. Phương án 1: Ngoài việc được tiếp tục sử dụng 2% số tiền phát hiện sai phạm thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ thêm 108 tỉ đồng/năm. Phương án 2: Điều chỉnh mức trích từ 2% lên 4%-5% số tiền sai phạm do KTNN phát hiện.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án 2, tức là điều chỉnh quy định để tăng tỉ lệ % số tiền để lại cho KTNN. Như thế sẽ bảo đảm nguồn chi cho khuyến khích, thưởng cho CBCC và người lao động của KTNN. Tuy nhiên, cần rà soát tăng một cách hợp lý để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng thực hiện theo phương án 2 là hợp lý nhất. Còn nếu thực hiện theo phương án 1 thì sẽ dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị khác như kiểm sát viên, thanh tra viên, thẩm phán cũng đòi được Nhà nước hỗ trợ ngân sách để thưởng.
Thành Văn
Theo Pháp luật TP