Từ 12/02/2024, mỗi trường được phép thành lập một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 28/12/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định về lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Cụ thể, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Trong đó, mỗi cơ sở giáo dục thành lập một Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.
Hiện hành tại Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi môn học của một cấp học thành lập 01 Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 (mười lăm) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó.
Như vậy, từ ngày 12/02/2024, việc thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa sẽ chuyển về cho các cơ sở giáo dục phổ thông, thẩm quyền thành lập sẽ do người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục tương ứng.
Khi đó, mỗi trường sẽ được thành lập một Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Nếu trường có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.
(Khoản 1 Điều 4 Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT)
Cụ thể tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định về số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa như sau:
- Hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (sau đây gọi chung là tổ chuyên môn), đại diện giáo viên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 (mười một) người. Đối với cơ sở giáo dục có quy mô dưới 10 (mười) lớp, số lượng thành viên Hội đồng tối thiểu là 05 (năm) người;
- Cơ cấu Hội đồng bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các ủy viên Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu; trong trường hợp người đứng đầu không được tham gia Hội đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT và các trường hợp vắng mặt vì lý do bất khả kháng thì Chủ tịch Hội đồng là cấp phó của người đứng đầu. Phó Chủ tịch Hội đồng là cấp phó của người đứng đầu hoặc tổ trưởng tổ chuyên môn. Thư ký Hội đồng được chọn trong số các ủy viên Hội đồng.
Trong quá trình làm việc, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa phải tuân thủ các nguyên tắc làm việc sau đây:
- Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
- Cuộc họp của Hội đồng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 3/4 (ba phần tư) số thành viên tham gia, trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký Hội đồng
- Kết quả của mỗi cuộc họp Hội đồng được lập thành biên bản, trong đó bao gồm đầy đủ các ý kiến của các thành viên và được công khai tại Hội đồng. Biên bản phải có chữ ký của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng.
(Điều 5 Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT)
Xem thêm tại Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 12/02/2024 và thay thế Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT.