Mức phụ cấp lực lượng bảo vệ dân phố tại TPHCM được đề xuất cao nhất gần 3,9 triệu đồng/tháng (Hình từ internet)
Hiện nay, mức phụ cấp hàng tháng, phụ cấp trách nhiệm, trợ cấp trang phục đối với lực lượng bảo vệ dân phố tại TPHCM được quy định tại Nghị quyết 15/2017/NQ-HĐND về điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp cho cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Dân quân Tự vệ; nâng phụ cấp hàng tháng, phụ cấp trách nhiệm, trợ cấp trang phục đối với lực lượng Bảo vệ dân phố.
Mức phụ cấp hàng tháng đối với lực lượng bảo vệ dân phố là 2.200.000 đồng/người/tháng;
Mức phụ cấp trách nhiệm của Trưởng ban Bảo vệ dân phố là 200.000 đồng/người/tháng;
Mức phụ cấp trách nhiệm của Phó Trưởng ban Bảo vệ dân phố là 150.000 đồng/người/tháng;
Tổ trưởng, Tổ phó Bảo vệ dân phố được hưởng phụ cấp trách nhiệm 100.000 đồng/người/tháng.
Đồng thời, trợ cấp trang phục của lực lượng Bảo vệ dân phố: Giao Ủy ban nhân dân thành phố quyết định mức trợ cấp trang phục cụ thể hàng năm theo quy định pháp luật, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố sau khi tổ chức thực hiện; Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế tự nguyện hàng năm cho lực lượng Bảo vệ dân phố.
Nguồn kinh phí thực hiện: Bố trí từ ngân sách thành phố cho Bộ Tư lệnh thành phố và Ủy ban nhân dân quận - huyện để thực hiện.
Ngày 17/01/2024, UBND TPHCM có tờ trình gửi HĐND TPHCM đề nghị ban hành nghị quyết quy định mức phụ cấp hằng tháng, trợ cấp trang phục và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế tự nguyện đối với lực lượng bảo vệ dân phố và hỗ trợ tiền ăn đối với chỉ huy trưởng, phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường, xã, thị trấn.
Theo đó, đề xuất tăng mức phụ cấp hằng tháng với lực lượng bảo vệ dân phố theo từng chức danh và tính theo mức lương cơ sở (hiện hành là 1,8 triệu đồng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP), cụ thể như sau:
+ Trưởng ban sẽ được nhận phụ cấp bằng 2,15 lần lương cơ sở (tương đương 3.870.000 đồng/tháng)
+ Phó trưởng ban là 2,1 lần lương cơ sở (tương đương 3.780.000 đồng/tháng)
+ Tổ trưởng và tổ phó cùng mức là 2,05 lần lương cơ sở (tương đương 3.690.000 đồng/tháng)
+ Và thành viên là 2 lần lương cơ sở (tương đương 3.600.000 đồng/tháng)
Bên cạnh đó, bảo vệ dân phố còn được trợ cấp trang phục 2.000.000 đồng/năm và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế tự nguyện hằng năm.
***Trước đó, vào cuối tháng 11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, trong đó luật xác định bảo vệ dân phố là lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.
Được biết, các chế độ, chính sách đối với lực lượng này sẽ do HĐND các cấp xem xét quyết định trên cơ sở ngân sách địa phương.
Theo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bố trí thành Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Địa bàn phụ trách của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự là một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc tại huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Căn cứ tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô dân số, diện tích tự nhiên của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn quản lý.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cần thành lập, số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý đến từng đơn vị hành chính cấp xã.
Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo đề nghị của Công an cấp xã quyết định thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và từng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.