Hết thời hạn góp vốn nhưng thành viên hợp tác xã chưa góp đủ vốn thì xử lý như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
14/03/2024 17:00 PM

Cho tôi hỏi khi hết thời hạn góp vốn nhưng thành viên hợp tác xã chưa góp đủ vốn thì xử lý như thế nào? – Thùy Trang (Đà Nẵng)

Hết thời hạn góp vốn nhưng thành viên hợp tác xã chưa góp đủ vốn thì xử lý như thế nào?

Hết thời hạn góp vốn nhưng thành viên hợp tác xã chưa góp đủ vốn thì xử lý như thế nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Luật Hợp tác xã 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2023 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Các thành viên hợp tác xã

Theo khoản 16 Điều 4 Luật Hợp tác xã 2023 thì thành viên bao gồm thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc thành viên của tổ hợp tác.

- Thành viên chính thức bao gồm:

+ Thành viên góp vốn và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

+ Thành viên góp vốn và góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

+ Thành viên góp vốn, sử dụng sản phẩm, dịch vụ và góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

(khoản 17 Điều 4 Luật Hợp tác xã 2023)

- Thành viên liên kết góp vốn là thành viên chỉ góp vốn, không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và không góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

(khoản 18 Điều 4 Luật Hợp tác xã 2023)

- Thành viên liên kết không góp vốn bao gồm:

+ Thành viên không góp vốn, chỉ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

+ Thành viên không góp vốn, chỉ góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

+ Thành viên không góp vốn, chỉ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

(khoản 19 Điều 4 Luật Hợp tác xã 2023)

Quy định về tài sản góp vốn của hợp tác xã

Tài sản góp vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định tại Điều 73 Luật Hợp tác xã 2023 như sau:

- Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác, quyền khác định giá được bằng Đồng Việt Nam.

- Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng quyền tài sản hợp pháp, quyền khác quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Hợp tác xã 2023 có quyền góp vốn theo quy định của pháp luật.

- Đối với tài sản là quyền sử dụng đất, phương tiện vận tải, tài sản khác thì cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn góp vốn bằng tài sản đó hoặc thỏa thuận cho phép hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng quyền khác đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về dân sự.

- Thành viên có thể dùng tài sản để tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thông qua hợp đồng hợp tác, hợp đồng liên kết với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Trong trường hợp này, tài sản đó không phải là tài sản góp vốn và không phải chuyển quyền sở hữu cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Hết thời hạn góp vốn nhưng thành viên hợp tác xã chưa góp đủ vốn thì xử lý như thế nào?

Căn cứ Điều 74 Luật Hợp tác xã 2023 quy định về việc góp vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:

- Phần vốn góp của thành viên chính thức được thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ về vốn góp tối thiểu và vốn góp tối đa. Vốn góp tối đa không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và không quá 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.

- Tổng phần vốn góp của tất cả thành viên liên kết góp vốn được thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Điều lệ nhưng không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và không quá 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.

- Tổng phần vốn góp của tất cả thành viên là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ của thành viên theo quy định của Điều lệ nhưng thời hạn phải góp đủ vốn chậm nhất là 06 tháng kể từ ngày hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc kể từ ngày được kết nạp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản (nếu có). Trong thời hạn này, thành viên có các quyền, nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết.

- Thành viên chỉ được góp vốn cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của Hội đồng quản trị đối với tổ chức quản trị đầy đủ hoặc Đại hội thành viên đối với tổ chức quản trị rút gọn.

- Sau thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 74 Luật Hợp tác xã 2023, thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì xử lý như sau:

+ Thành viên chưa góp vốn theo cam kết hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong Điều lệ sẽ bị chấm dứt tư cách thành viên;

+ Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết nhưng có phần vốn góp bằng hoặc cao hơn vốn góp tối thiểu theo quy định của Điều lệ có quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ.

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải góp đủ phần vốn góp đã cam kết theo quy định tại khoản 4 Điều 74 Luật Hợp tác xã 2023, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng phần vốn đã góp theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023, trừ trường hợp phần vốn góp còn thiếu đã được góp đủ trong thời hạn này. Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với nghĩa vụ tài chính phát sinh trong thời gian trước ngày được cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ.

Như vậy, khi hết thời hạn góp vốn theo quy định nhưng thành viên hợp tác xã chưa góp đủ vốn thì xử lý như sau:

+ Chấm dứt tư cách thành viên nếu chưa góp vốn theo cam kết hoặc góp vốn thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Điều lệ hợp tác xã.

+ Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết nhưng có phần vốn góp bằng hoặc cao hơn vốn góp tối thiểu thì có quyền tương ứng với phần vốn đã góp.

Ngoài ra, thành viên hợp tác xã chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với nghĩa vụ tài chính phát sinh trong thời gian trước ngày được cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 530

Bài viết về

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực năm 2024

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]