Quy định về tặng cho, đổi, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở theo Luật Nhà ở 2023 (Hình ảnh từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 27/11/2023, Quốc Hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở 2023.
* Quy định về tặng cho nhà ở:
Căn cư Điều 177 Luật Nhà ở 2023 quy định về việc tặng cho nhà ở như sau:
- Việc tặng cho nhà ở thuộc sở hữu chung được quy định như sau:
+ Trường hợp tặng cho nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất;
+ Trường hợp tặng cho nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần thì chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần chỉ được tặng cho phần nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình.
- Việc tặng cho nhà ở đang cho thuê được quy định như sau:
+ Chủ sở hữu nhà ở đang cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết trước ít nhất 30 ngày về việc tặng cho nhà ở;
+ Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê nhà ở đến hết thời hạn hợp đồng thuê nhà ở đã ký với bên tặng cho, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Việc tặng cho nhà ở trong trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
* Quy định về đổi nhà ở:
- Việc đổi nhà ở thuộc sở hữu chung được quy định như sau:
+ Việc đổi nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất;
+ Trường hợp đổi nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần thì chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần chỉ được đổi phần nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình.
- Việc đổi nhà ở đang cho thuê được quy định như sau:
+ Chủ sở hữu nhà ở đang cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết trước ít nhất 30 ngày về việc đổi nhà ở;
+ Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê nhà ở đến hết thời hạn hợp đồng thuê nhà ở đã ký với chủ sở hữu trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
+ Khi đổi nhà ở và chuyển quyền sở hữu nhà ở cho nhau, nếu có chênh lệch về giá trị nhà ở thì các bên đổi nhà ở phải thanh toán giá trị chênh lệch đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Việc đổi nhà ở trong trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(Theo quy định tại Điều 178 Luật Nhà ở 2023)
* Quy định về góp vốn bằng nhà ở:
Căn cứ theo Điều 179 Luật Nhà ở 2023 quy định về góp vốn bằng nhà ở như sau:
- Điều kiện góp vốn bằng nhà ở được quy định như sau:
+ Chủ sở hữu nhà ở hoặc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quyền góp vốn bằng nhà ở để tham gia hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực mà pháp luật không cấm kinh doanh tại nhà ở đó. Việc góp vốn bằng nhà ở phải thông qua hợp đồng có nội dung theo quy định tại Điều 163 Luật Nhà ở 2023;
+ Nhà ở đưa vào góp vốn phải là nhà ở có sẵn và đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 160 Luật Nhà ở 2023.
- Việc góp vốn bằng nhà ở thuộc sở hữu chung được quy định như sau:
+ Việc góp vốn bằng nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất;
+ Trường hợp góp vốn bằng nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần thì chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần chỉ được góp vốn bằng phần nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình.
- Việc góp vốn bằng nhà ở đang cho thuê được quy định như sau:
+ Chủ sở hữu nhà ở đang cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết trước ít nhất 30 ngày về việc góp vốn bằng nhà ở;
+ Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê nhà ở đến hết thời hạn hợp đồng thuê nhà ở đã ký với bên góp vốn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Việc góp vốn bằng nhà ở trong trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
* Quy định về cho mượn, cho ở nhờ nhà ở:
Căn cứ Điều 180 Luật Nhà ở 2023 quy định cho mượn, cho ở nhờ nhà ở như sau:
- Trường hợp cho mượn, cho ở nhờ nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất thì phải được sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu nhà ở đó; trường hợp chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần thì có quyền cho mượn, cho ở nhờ phần nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ sở hữu chung khác. Bên cho mượn nhà ở có quyền đòi lại nhà ở, bên cho ở nhờ có quyền chấm dứt việc cho ở nhờ khi chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 180 Luật Nhà ở 2023 và theo thỏa thuận trong hợp đồng.
- Hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở được chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
+ Thời hạn cho mượn, cho ở nhờ đã hết;
+ Nhà ở cho mượn, cho ở nhờ không còn;
+ Bên mượn, bên ở nhờ nhà ở là cá nhân chết hoặc mất tích theo tuyên bố của Tòa án;
+ Bên mượn, bên ở nhờ nhà ở là tổ chức giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động;
+ Nhà ở cho mượn, cho ở nhờ có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc trường hợp đã có quyết định giải tỏa, phá dỡ hoặc thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Trường hợp khác theo thỏa thuận của các bên.
Xem thêm Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025.
Luật Nhà ở 2014 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1, các điểm a, c, đ, e và g khoản 2, khoản 3, các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 5 Điều 198 Luật Nhà ở 2023.
Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở ban hành trước ngày Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành là nhà ở thuộc tài sản công.
Tô Quốc Trình