Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh từ 01/7/2024 (Hình ảnh từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 20/6/2023, Quốc Hội đã chính thức thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại.
Căn cứ theo Điều 54 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh như sau:
- Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được giải quyết thông qua các phương thức sau đây:
+ Thương lượng;
+ Hòa giải;
+ Trọng tài;
+ Tòa án.
- Không được thương lượng, hòa giải trong các trường hợp sau đây:
+ Xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
+ Vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;
+ Gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng, trừ trường hợp xác định đầy đủ số lượng người tiêu dùng bị thiệt hại.
- Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Hiện hành, theo Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau: - Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua: + Thương lượng; + Hòa giải; + Trọng tài; + Tòa án. - Không được thương lượng, hòa giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng. |
Theo Điều 55 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh như sau:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài liệu được cung cấp theo quy định của pháp luật.
Xem thêm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 80 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 .
Tô Quốc Trình