Trình tự nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa từ nguồn ngân sách nhà nước

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
06/06/2024 09:30 AM

Ngày 20/5/2024, Nghị định 57/2024/NĐ-CP được ban hành, trong đó có quy định về nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa từ nguồn ngân sách nhà nước.

Quy định về nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2024

Quy định về nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 (Hình từ Internet)

Nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa

Theo Điều 9 Nghị định 57/2024/NĐ-CP, nạo vét duy tu đường thủy nội địa là dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa được sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn vốn hợp pháp khác.

Phân công tổ chức thực hiện nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa từ nguồn ngân sách nhà nước

Về cơ quan giao kế hoạch, dự toán, Điều 9 Nghị định 57/2024/NĐ-CP quy định:

- Bộ Giao thông vận tải giao kế hoạch nạo vét duy tu, dự toán chi ngân sách nhà nước đối với nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao kế hoạch nạo vét duy tu, dự toán chi ngân sách nhà nước đối với nạo vét duy tu đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa quốc gia được phân cấp.

Đối với dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia: Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng; Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện thẩm quyền của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Đối với dự án nạo vét duy tu đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa quốc gia được phân cấp cho địa phương quản lý (sau đây gọi là đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý): Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư và giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền của chủ đầu tư.

Hình thức thực hiện nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa từ nguồn ngân sách nhà nước

Hình thức nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa sử dụng nguồn ngân sách nhà nước gồm nạo vét theo khối lượng thực tế và nạo vét theo chất lượng thực hiện.

- Bộ Giao thông vận tải:

+ Quyết định hình thức thực hiện nạo vét duy tu đối với luồng đường thủy nội địa quốc gia;

+ Quy định chi tiết về nạo vét theo chất lượng thực hiện, nạo vét khẩn cấp.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hình thức thực hiện nạo vét duy tu đối với đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.

Trình tự thực hiện nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa từ nguồn ngân sách nhà nước

Căn cứ từ Điều 12 đến Điều 19 Nghị định 57/2024/NĐ-CP, dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa sử dụng nguồn ngân sách nhà nước chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và thực hiện theo các bước sau:

- Lập kế hoạch nạo vét duy tu:

+ Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia do Bộ Giao thông vận tải quản lý trong kế hoạch bảo trì hằng năm.

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch nạo vét duy tu đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý trong kế hoạch bảo trì hằng năm.

- Giao dự toán chi ngân sách nhà nước

+ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lập dự toán chi ngân sách nhà nước trình Bộ Giao thông vận tải tổng hợp dự toán chi ngân sách nhà nước theo quy định.

+ Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được giao, Bộ Giao thông vận tải giao dự toán chi ngân sách nhà nước cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức giao dự toán chi cho các dự án nạo vét duy tu đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.

- Thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định

- Lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng

+ Việc lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

+ Thiết kế bản vẽ thi công của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng được lập trên cơ sở bình đồ độ sâu kèm theo thông báo luồng đường thủy nội địa gần nhất trong năm lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc thực hiện khảo sát đo đạc. Khối lượng nạo vét thiết kế gồm khối lượng tính toán theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình và khối lượng sa bồi dự kiến từ thời điểm khảo sát đo đạc thông báo luồng đường thủy nội địa đến thời điểm khảo sát đo đạc bàn giao mặt bằng.

- Tổ chức lựa chọn nhà thầu: Chủ đầu tư tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định pháp luật. Đối với công tác nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

- Bàn giao mặt bằng, tổ chức kiểm tra, giám sát và quản lý thi công công trình:

+ Chủ đầu tư tổ chức thực hiện công tác khảo sát đo đạc để xác định khối lượng bàn giao mặt bằng. Công tác khảo sát đo đạc bàn giao mặt bằng được triển khai trước thời điểm bắt đầu thi công nạo vét tối đa không quá 15 ngày. Khối lượng bàn giao mặt bằng là căn cứ để xác định giá trị hợp đồng chính thức.

+ Công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện quản lý thi công đối với nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa, thực hiện theo quy định tại các Điều 4, Điều 5 Nghị định 57/2024/NĐ-CP, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và quy định của pháp luật liên quan.

- Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình:

+ Công tác nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình được thực hiện trên cơ sở các quy định của hợp đồng đã ký kết, khối lượng thực tế thi công được nghiệm thu phù hợp với phạm vi, yêu cầu của thiết kế; các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu áp dụng cho công trình; phù hợp với hồ sơ mời thầu, hợp đồng xây dựng, quy định của pháp luật về quản lý chi phí, về hợp đồng xây dựng áp dụng cho công trình và quy định của pháp luật có liên quan.

+ Chủ đầu tư tổ chức thực hiện công tác nghiệm thu giai đoạn thi công (nếu có), hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng theo quy định.

Đối với nạo vét theo chất lượng thực hiện, công tác nghiệm thu được thực hiện như sau:

+ Tổ chức nghiệm thu hoàn thành dự án nạo vét theo giai đoạn thực hiện đối với từng giai đoạn thi công (06 tháng, 01 năm);

+ Tổ chức nghiệm thu hoàn thành dự án nạo vét khi kết thúc thời gian thực hiện hợp đồng;

+ Việc nghiệm thu quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 19 Nghị định 57/2024/NĐ-CP được căn cứ trên cơ sở chất lượng công việc thực hiện (không xác định trên cơ sở khối lượng nạo vét) và phải lập thành Biên bản.

- Thực hiện các quy định về quản lý chất nạo vét theo quy định tại Điều 8 Nghị định 57/2024/NĐ-CP.

Trần Trọng Tín

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 681

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]