Nghiên cứu, đề xuất chuyển vốn đầu tư công của địa phương giải ngân kém sang địa phương khác có khả năng

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
06/06/2024 17:02 PM

Văn phòng Chính phủ có Thông báo 250/TB-VPCP, đã nêu lên việc cần nghiên cứu, đề xuất chuyển vốn đầu tư công của địa phương giải ngân kém sang địa phương khác có khả năng.

Nghiên cứu, đề xuất chuyển vốn đầu tư công của địa phương giải ngân kém sang địa phương khác có khả năng

Nghiên cứu, đề xuất chuyển vốn đầu tư công của địa phương giải ngân kém sang địa phương khác có khả năng (Hình từ internet)

Nghiên cứu, đề xuất chuyển vốn đầu tư công của địa phương giải ngân kém sang địa phương khác có khả năng

Theo Thông báo 250/TB-VPCP ngày 31/5/2024 về kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, 5 tháng đầu năm 2024; tình hình giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm thời gian tới, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, cụ thể như sau:

- Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Công điện 54/CĐ-TTg ngày 28/5/2024 để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giải phóng mặt bằng các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đúng kế hoạch.

- Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát các quy định pháp luật hiện hành đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để nghiên cứu, đề xuất bổ sung nội dung trong dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV về việc cho phép Chính phủ quyết định điều chuyển vốn của các Bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang các Bộ, cơ quan, địa phương có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Như vậy, trong số các nhiệm vụ đề cập trên, đáng chú ý có việc nghiên cứu, đề xuất chuyển vốn đầu tư công của địa phương ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang các Bộ, cơ quan, địa phương có khả năng giải ngân. Trong bối cảnh hiện nay nhiều địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư chậm, trong khi lai có những địa phương lại không đủ vốn để giải ngân đáp ứng tiến độ các dự án.

Các công việc giải phóng mặt bằng yêu cầu hoàn thành trước ngày 30/6/2024 theo Công điện 54/CĐ-TTg

Theo Công điện 54/CĐ-TTg, Thủ tướng yêu cầu các công việc sau đây phải hoàn thành trước 30/6/2024:

- Các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Hậu Giang, Kiên Giang đẩy nhanh việc hoàn thiện các khu tái định cư; Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hòa đẩy nhanh việc di dời hạ tầng kỹ thuật; Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi tập trung chỉ đạo để sớm bàn giao các diện tích còn lại của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án trọng điểm khác.

- Tỉnh Bình Định thực hiện song song các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng để bàn giao mặt bằng ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 , bảo đảm việc điều phối vật liệu tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

- Tỉnh Đồng Nai bổ sung nhân lực, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh công tác đo đạc, kiểm đếm, phê duyệt phương án đền bù, giải quyết khiếu kiện, xây dựng các khu tái định cư tại dự án Biên Hòa - Vũng Tàu và Dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh.

- Các tỉnh: Khánh Hòa và Đắk Lắk sớm hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, khai thác rừng, đấu giá, thu hồi rừng; tỉnh Khánh Hòa giải quyết vướng mắc về giá đất tại Dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

- Các tỉnh, thành phố: An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng đẩy nhanh di dời hạ tầng kỹ thuật, giải quyết các khiếu nại để bàn giao phần còn lại của Dự án An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng.

- Các tỉnh: Bắc Ninh và Hưng Yên đẩy nhanh xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật; tỉnh Hưng Yên phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn trong thu hồi đất để bố trí hoàn trả đất sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng tại dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.

Tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại thực hiện các dự án đầu tư công năm 2024 của một số tỉnh, thành hiện nay

Nghị quyết 105/2023/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 do Quốc hội ban hành, trong đó có nêu tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại năm 2024 của các tỉnh thành sau đây:

- TPHCM: 21%;

- Hà Nội: 32%;

- Bình Dương: 33%;

- Đồng Nai: 50%;

- Quảng Ninh: 51%;

- Bà Rịa – Vũng Tàu: 52%;

- Vĩnh Phúc: 66%;

- Bắc Ninh: 71%;

- Hải Phòng: 76%;

- Quảng Nam: 82%;

- Đà Nẵng: 83%;

- Ninh Bình: 89%;

- Khánh Hòa: 90%;

- Quảng Ngãi: 93%;

- Long An: 95%;

- Thái Nguyên: 96%;

- Hải Dương: 98%.

>>Xem thêm “Tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại năm 2024 của TPHCM, Hà Nội”

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 350

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]