Nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
07/06/2024 16:00 PM

Nghị định 44/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ 10/6/2024 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ mới nhất (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 44/2024/NĐ-CP như sau:

- Cơ quan quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Lưu ý: Trường hợp cần thiết thực hiện khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức khác với các phương thức nêu trên, Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. 

Nội dung chủ yếu của Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Mẫu số 02Đ tại Phụ lục kèm theo Nghị định 44/2024/NĐ-CP

Sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

2. Nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ mới nhất

Căn cứ theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 44/2024/NĐ-CP, nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm:

(1) Phí sử dụng đường bộ và các khoản phí khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

(2) Tiền thu từ cung cấp các dịch vụ liên quan đến tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

(3) Tiền thu từ chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản, cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

(4) Các khoản thu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

3. Quy định về quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

- Trường hợp cơ quan quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 13 Nghị định 44/2024/NĐ-CP:

+ Số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là phí sử dụng đường bộ và các khoản phí khác, khoản thu khác theo quy định của pháp luật quy định tại điểm (1), điểm (4) mục 2 được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về phí, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

+ Số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tiền thu từ các dịch vụ khác liên quan đến tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại điểm (2) mục 2 (bao gồm cả số tiền thu được từ lắp đặt công trình viễn thông trên tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ) được quản lý, sử dụng theo cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ quan quản lý tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017.

- Trường hợp khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định tại các Điều 14, 15 và 16 Nghị định 44/2024/NĐ-CP:

+ Số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản, cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (bao gồm cả số tiền chậm nộp, nếu có) được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan sau đây làm chủ tài khoản:

Cơ quan được Bộ Giao thông vận tải chỉ định làm chủ tài khoản đối với tài sản do cơ quan quản lý tài sản ở trung ương quản lý.

Sở Tài chính đối với tài sản do cơ quan quản lý tài sản cấp tỉnh quản lý.

Phòng Tài chính Kế hoạch đối với tài sản do cơ quan quản lý tài sản cấp huyện, cấp xã quản lý.

+ Tài khoản tạm giữ được theo dõi chi tiết đối với từng cơ quan có tài sản được khai thác.

+ Nội dung chi:

Chi phí phục vụ việc lập, trình, phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản, cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; chi phí kiểm kê, xác định giá khởi điểm, tổ chức đấu giá chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản, cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; chi phí bảo quản, bảo vệ tài sản trong thời gian tổ chức lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp khai thác; chi phí phục vụ công tác quản lý của Bên chuyển nhượng quyền thu phí, Bên cho thuê quyền khai thác, Bên chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản trong thời gian thực hiện hợp đồng; các chi phí khác có liên quan.

+ Dự toán chi phí có liên quan đến việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do cơ quan quản lý tài sản lập, trình Thủ trưởng cơ quan quản lý tài sản phê duyệt, sau khi có ý kiến thẩm định của chủ tài khoản tạm giữ quy định tại điểm a khoản này.

+ Mức chi làm căn cứ lập dự toán chi phí; trình tự, thủ tục thanh toán chi phí có liên quan đến việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 27 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.

+ Định kỳ 06 tháng (chậm nhất vào ngày 30/5 và 31/10), chủ tài khoản tạm giữ thực hiện nộp số tiền còn lại đối với các khoản thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau khi đã hoàn thành việc thanh toán chi phí tại điểm c, điểm d khoản này được trích từ tài khoản tạm giữ) vào ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương đối với các khoản thu từ khai thác tài sản thuộc trung ương quản lý, ngân sách địa phương đối với các khoản thu từ khai thác tài sản thuộc địa phương quản lý) theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

+ Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước được ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công, dự toán chi ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng và phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.

(Điều 18 Nghị định 44/2024/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 213

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]