Đề xuất điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ mật mã dân sự (Hình từ internet)
Bộ Quốc phòng đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự, trong đó có nội dung điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ mật mã dân sự.
Theo dự thảo, các đối tượng áp cũng như các nội dung về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ mật mã dân sự như sau:
*Đối tượng áp dụng
Theo Điều 2 dự thảo trên, đối tượng áp dụng bao gồm:
- Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; tổ chức tham gia hoạt động đánh giá sự phù hợp sản phẩm mật mã dân sự và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
- Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh, sử dụng mật mã dân sự, người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh, sử dụng mật mã dân sự và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
*Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự
- Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật An toàn thông tin mạng 2015.
- Điều kiện cấp Giấy phép quy định tại điểm a khoản 2 Điều 31 Luật An toàn thông tin mạng 2015 được quy định cụ thể như sau: Doanh nghiệp phải có ít nhất hai (02) cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các ngành điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, toán học, an toàn thông tin; cán bộ quản lý, điều hành tốt nghiệp một trong các ngành điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, toán học,an toàn thông tin hoặc tốt nghiệp một ngành khác và có chứng chỉ đào tạo về an toàn thông tin.
- Điều kiện cấp Giấy phép quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 31 Luật An toàn thông tin mạng 2015 được quy định cụ thể như sau: Doanh nghiệp phải có hệ thống phục vụ khách hàng và bảo đảm kỹ thuật phù hợp với phạm vi, đối tượng cung cấp, quy mô số lượng sản phẩm.
Hiện hành, điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự được quy định tại Điều 4 Nghị định 58/2016/NĐ-CP |
- Sản phẩm mật mã dân sự là các tài liệu, trang thiết bị kỹ thuật và nghiệp vụ mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
- Dịch vụ mật mã dân sự gồm dịch vụ bảo vệ thông tin sử dụng sản phẩm mật mã dân sự; kiểm định, đánh giá sản phẩm mật mã dân sự; tư vấn bảo mật, an toàn thông tin mạng sử dụng sản phẩm mật mã dân sự.
(Điều 30 Luật An toàn thông tin mạng 2015)
- Doanh nghiệp phải có Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự thuộc Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.
- Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Có đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyên môn về bảo mật, an toàn thông tin;
+ Có hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với quy mô cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
+ Có phương án kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
+ Có phương án bảo mật và an toàn thông tin mạng trong quá trình quản lý và cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
+ Có phương án kinh doanh phù hợp.
- Sản phẩm mật mã dân sự phải được kiểm định, chứng nhận hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường.
- Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
- Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và quy định chi tiết Điều 31 Luật An toàn thông tin mạng 2015)
(Điều 31 Luật An toàn thông tin mạng 2015)
Lê Nguyễn Anh Hào