Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
08/06/2024 12:15 PM

Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Bài viết sẽ trình bày về cơ cấu tổ chức của hai cơ quan dựa trên pháp luật hiện hành.

Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân tỉnh

Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân tỉnh (Hình ảnh từ Internet)

1. Quy định về Hội đồng nhân dân

Theo Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019)quy định về Hội dân dân như sau:

- Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

- Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

Đại biểu Hội đồng nhân dân bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.

- Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và các quy định khác của luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.

Thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là thành viên của Ủy ban nhân dân cùng cấp

- Ban của Hội đồng nhân dân là cơ quan của Hội đồng nhân dân, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình Hội đồng nhân dân, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.

2. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân tỉnh

Theo Điều 18 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi bởi khoản 8 Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019) quy định về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân tỉnh như sau:

- Hội đồng nhân dân tỉnh gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở tỉnh bầu ra.

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

+ Tỉnh miền núi, vùng cao có từ năm trăm nghìn dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên năm trăm nghìn dân thì cứ thêm năm mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bảy mươi lăm đại biểu;

+ Tỉnh không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 có từ một triệu dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên một triệu dân thì cứ thêm bảy mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá tám mươi lăm đại biểu.

- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách

- Hội đồng nhân dân tỉnh thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - ngân sách, Ban văn hóa - xã hội; nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập Ban dân tộc. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Ban dân tộc quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.

Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh gồm có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì Ban có một Phó Trưởng ban; trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì Ban có hai Phó Trưởng ban. Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

- Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân. Số lượng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ trưởng và Tổ phó của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định

3. Quy định về Uỷ ban nhân dân

Tại Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, số lượng cụ thể Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ quy định.

4. Cơ cấu tổ chức của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

Tại Điều 20 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về cơ cấu tổ chức của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh như sau:

- Ủy ban nhân dân tỉnh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên.

Ủy ban nhân dân tỉnh loại I có không quá bốn Phó Chủ tịch; tỉnh loại II và loại III có không quá ba Phó Chủ tịch.

Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.

- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh gồm có các sở và cơ quan tương đương sở.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,227

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]