Đề xuất bổ sung trường hợp trở ngại khách quan làm không thể yêu cầu thi hành án dân sự (Hình từ Internet)
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, đương sự có quyền yêu cầu thi hành án trong thời hiệu yêu cầu thi hành án quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự. Trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc không thể yêu cầu thi hành án trong thời hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự thì đương sự có quyền đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn.
Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 33/2020/NĐ-CP), Bộ Tư pháp đã đề xuất bổ sung trường hợp “dịch, bệnh do cơ quan có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật” là trở ngại khách quan dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án trong thời hiệu theo quy định nhằm phù hợp với thực tiễn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đương sự và thống nhất với các quy định pháp luật liên quan (Điều 4 của Nghị định)
Như vậy, dự kiến khoản 3 Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP về các trường hợp thuộc sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan sẽ được sửa đổi, bổ sung như sau::
- Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa;
- Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; dịch, bệnh do cơ quan có thẩm quyền công bố mà đương sự không thể thực hiện được quyền yêu cầu thi hành án đúng thời hạn theo quy định.
Ngoài ra, tại Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung như sau:
- Sửa đổi thẩm quyền quy định mã số, ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ, xếp lương; thẩm quyền bổ nhiệm vào ngạch, chuyển ngạch, miễn nhiệm; nội dung hình thức thi, xét nâng ngạch các ngạch Chấp hành viên, thẩm tra viên và thư ký thi hành án của Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng để phù hợp với khoản 6 Điều 73 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (Điều 56, Điều 66, Điều 69, Điều 71, Điều 78 Nghị định 62/2015/NĐ-CP);
- Bổ sung quy định Bộ Tư pháp quyết định việc cấp phát, sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu thi hành án dân sự nhằm bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với đặc điểm thời tiết các vùng, miền trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 83 Nghị định 62/2015/NĐ-CP);
- Bãi bỏ quy định hướng dẫn thẩm quyền của Chấp hành viên khi xác định, phân chia, xử lý tài sản chung của người phải thi hành án tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Xem toàn bộ Dự thảo Nghị định tại đây.
Trần Trọng Tín