Giải pháp thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
06/09/2024 22:15 PM

Sau đây là 07 giải pháp thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Giải pháp thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030

Giải pháp thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 (Hình từ Internet)

Giải pháp thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030

Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành kèm Quyết định 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 đưa ra các giải pháp, phương hướng thực hiện như sau:

(1) Về cơ chế, chính sách

- Tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển lâm nghiệp; ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp hiệu quả, bền vững; xây dựng chính sách, quy định trong việc truy xuất nguồn gốc để đảm bảo các nguồn gỗ khai thác hợp pháp từ các đối tượng rừng trồng, cây phân tán trên đất ngoài quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp được tham gia chuỗi cung ứng cho nguyên liệu chế biến, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

- Tiếp tục ưu tiên thực hiện chính sách giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với các diện tích hiện đang do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý để phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân miền núi.

(2) Về đầu tư, tài chính

Nhà nước đảm bảo ngân sách cho hoạt động bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng tự nhiên và các hoạt động điều tra, kiểm kê, phát triển giống cây lâm nghiệp. Khuyến khích, huy động các nguồn vốn hợp pháp tham gia đầu tư bảo vệ, phát triển rừng.

(3) Về khoa học và công nghệ

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong các hoạt động của ngành lâm nghiệp, như: công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng, phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản.

(4) Về tuyên truyền và nâng cao nhận thức

Nâng cao nhận thức của xã hội về trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân.

(5) Về đào tạo, tăng cường năng lực

Xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành lâm nghiệp trong thời kỳ mới, phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Tập trung đào tạo, đào tạo lại, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên sâu của một số lĩnh vực quan trọng như giống, lâm sinh, chế biến gỗ... Nâng cao năng lực và cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị cho công tác đào tạo lâm nghiệp.

(6) Về hợp tác quốc tế

Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế về lâm nghiệp, tham gia chủ động, tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế mới lâm nghiệp, tài chính khí hậu và chủ động hợp tác chặt chẽ với các thể chế tài chính đa phương (WB, ADB, GEF, GCF), đối tác phát triển, tổ chức lâm nghiệp quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

(7) Về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch

Thực hiện việc công khai quy hoạch lâm nghiệp; xây dựng kế hoạch hành động thực hiện và giám sát quy hoạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, giải quyết kịp thời các kiến nghị liên quan đến thực hiện quy hoạch các cơ chế, chính sách và pháp luật về lâm nghiệp.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 531

Bài viết về

lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]