Đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của Trạm Y tế xã

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
16/09/2024 21:15 PM

Bộ Y tế lấy ý kiến đối với Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thay thế Thông tư 33/2015/TT-BYT, trong đó bao gồm nhiệm vụ của Trạm Y tế xã.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của Trạm Y tế xã

Đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của Trạm Y tế xã (Hình từ Internet)

Đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của Trạm Y tế xã

Bộ Y tế hiện đang dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, dự kiến sẽ thay thế Thông tư 33/2015/TT-BYT. Trong đó, Dự thảo Thông tư đề xuất quy định nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn bao gồm 8 nhiệm vụ sau:

(1) Thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật:

* Về y tế dự phòng:

- Thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về tiêm chủng vắc xin phòng bệnh;

- Giám sát, thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân; phát hiện và báo cáo kịp thời các bệnh, dịch;

- Hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh cá nhân, các yếu tố nguy cơ môi trường, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe; vệ sinh lao động; phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn; y tế học đường; dinh dưỡng cộng đồng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

- Tham gia kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động về an toàn thực phẩm trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

* Về khám bệnh, chữa bệnh; kết hợp, ứng dụng y học cổ truyền trong phòng bệnh và chữa bệnh:

- Thực hiện sơ cứu, cấp cứu ban đầu;

- Thực hiện khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, điều trị ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu; quản lý bệnh tật, phục hồi chức năng tại cộng đồng và phạm vi hoạt động chuyên môn theo quy định của pháp luật;

- Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh bằng các phương pháp dùng thuốc và các phương pháp không dùng thuốc; ứng dụng, kế thừa kinh nghiệm, bài thuốc, phương pháp điều trị hiệu quả, bảo tồn cây thuốc quý tại địa phương trong chăm sóc sức khỏe nhân dân;

- Tham gia khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự.

* Về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; sức khỏe sinh sản:

- Thực hiện cấp cứu ban đầu về sản khoa, sơ sinh;

- Thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản theo phạm vi hoạt động chuyên môn được quy định;

- Quản lý đối tượng và các chỉ số về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khoẻ bà mẹ - trẻ em theo quy định;

- Lập kế hoạch, triển khai, thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kế

hoạch hành động về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khoẻ bà mẹ, trẻ em trên địa bàn;

- Thực hiện các hoạt động truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em tại trạm y tế và cộng đồng;

* Về Công tác dân số

- Thực hiện các nhiệm vụ về công tác dân số trên địa bàn; thực hiện cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình theo phân tuyến kỹ thuật và theo quy định của pháp luật;

- Triển khai thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho người cao tuổi tại cộng đồng; thực hiện hướng dẫn tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho người cao tuổi tại cộng đồng; phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi, phục hồi chức năng cho người cao tuổi tại cộng đồng.

- Triển khai các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

- Tuyên truyền cho các đối tượng vị thành niên, thanh niên đến các cơ sở y tế để được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

- Hướng dẫn nhân viên y tế thôn, bản, cộng tác viên dân số thực hiện truyền thông giáo dục về dân số tại hộ gia đình và cộng đồng.

* Về cung ứng thuốc thiết yếu:

- Quản lý các nguồn thuốc, vắc xin được giao theo quy định;

- Hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả;

- Phát triển vườn thuốc nam mẫu phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

* Về quản lý sức khỏe cộng đồng:

- Triển khai việc quản lý sức khỏe hộ gia đình, người cao tuổi, các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân, bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính;

- Quản lý bệnh, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm, quản lý và nâng cao sức khỏe người dân.

- Phối hợp thực hiện quản lý sức khỏe học đường.

* Về truyền thông, giáo dục sức khoẻ:

- Thực hiện cung cấp các thông tin liên quan đến bệnh, dịch; tiêm chủng; sử dụng nước sạch, nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh cá nhân, các vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và tuyên truyền biện pháp phòng, chống;

- Tổ chức tuyên truyền, tư vấn, vận động quần chúng cùng tham gia thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân; công tác dân số; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

(2) Hướng dẫn về chuyên môn và hoạt động đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản.

- Đề xuất với Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Trung tâm Y tế huyện) về công tác tuyển chọn và quản lý đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản;

- Chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức giao ban định kỳ và tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản theo phân cấp.

(3) Tham gia kiểm tra các hoạt động hành nghề y, dược tư nhân và các dịch vụ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân:

- Tham gia, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề y, dược tư nhân, các dịch vụ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân trên địa bàn xã;

- Phát hiện, báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động y tế vi phạm pháp luật, các cơ sở, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường y tế trên địa bàn xã.

(4) Thường trực Ban Chăm sóc sức khỏe cấp xã về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn:

- Xây dựng kế hoạch hoạt động chăm sóc sức khỏe, xác định vấn đề sức khỏe, lựa chọn vấn đề sức khoẻ ưu tiên trên địa bàn, trình Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã phê duyệt và làm đầu mối tổ chức triển khai thực hiện sau khi kế hoạch được phê duyệt;

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn, trình Giám đốc Trung tâm Y tế huyện phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện sau khi kế hoạch được phê duyệt.

(5) Thực hiện kết hợp quân – dân y theo tình hình thực tế ở địa phương.

(6) Chịu trách nhiệm quản lý nhân lực, tài chính, tài sản của đơn vị theo phân công, phân cấp và theo quy định của pháp luật.

(7) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định của pháp luật.

- Triển khai chế độ thống kê và các báo cáo của y tế xã thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường điện tử

- Thực hiện việc quản lý hoạt động, quản lý chuyên môn dự phòng, quản lý khám chữa bệnh, quản lý chăm sóc sức khỏe sinh sản, quản lý cung ứng thuốc thiết yếu, quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa bằng ứng dụng công nghệ thông tin.

- Hệ thống công nghệ thông tin của Trạm Y tế xã kết nối được với Phần mềm Hồ sơ sức khỏe cá nhân.

(8) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Trung tâm Y tế huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao.

Căn cứ vào điều kiện, năng lực của từng Trạm Y tế, Trung tâm Y tế huyện trình cấp có thẩm quyền tại địa phương xem xét quy định trạm y tế trên địa bàn được thực hiện những nhiệm vụ cụ thể về khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản tại mục (1) và thực hiện các nhiệm vụ tại mục (6) để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân theo quy định của pháp luật và của Bộ Y tế.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 738

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]