Dự án Luật cũng bổ sung chế độ tài sản theo thỏa thuận của các cặp vợ chồng trước khi kết hôn, hay còn được gọi là “hợp đồng tiền hôn nhân”.
Thỏa thuận dân sự, chỉ cần công chứng
Việc các cặp đôi lập hợp đồng tiền hôn nhân đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, song đây sẽ là lần đầu tiên thỏa thuận này được áp dụng tại Việt Nam khi dự án luật được thông qua. Theo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của UB Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, có ý kiến của đại biểu đề nghị cân nhắc việc bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong Luật. Nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung chế định này, nhưng yêu cầu cần quy định chặt chẽ để tránh các hành vi lợi dụng nhằm tẩu tán tài sản có được do lừa đảo, tham nhũng...
Ngoài ra, có đại biểu đề nghị quy định thời điểm xác lập thỏa thuận có thể cả trước và sau hôn nhân, hay quy định thỏa thuận này phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và ghi nhận trong đăng ký kết hôn.
UB thường vụ QH cho rằng, việc bổ sung chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng sẽ giúp các cặp vợ chồng có thêm sự lựa chọn trong việc xác định quan hệ tài sản trong hôn nhân. “Đây là thỏa thuận dân sự, đã qua thủ tục công chứng hoặc chứng thực, nên không cần đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và ghi nhận trong đăng ký kết hôn. Về thời điểm xác lập thỏa thuận, dự án quy định thỏa thuận tài sản phải được lập trước khi kết hôn” – Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Trương Thị Mai trình bày báo cáo.
Quy định này được cho là nhằm thể hiện quan điểm của Nhà nước, về việc ưu tiên sử dụng chế độ tài sản theo luật định, và đảm bảo tính ổn định của quan hệ tài sản trong gia đình Việt Nam. Dự thảo cũng có quy định về trường hợp nếu hai vợ chồng muốn sửa đổi, bổ sung thỏa thuận sau khi kết hôn.
Mẹ ruột, mẹ nuôi, và ... mẹ mang thai hộ
Báo cáo của UB Thường Vụ QH cũng nhất trí duy trì độ tuổi kết hôn của “nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên” như luật hiện hành, chứ không lùi độ tuổi kết hôn của nam xuống 18 tuổi như dự thảo luật. UB thường vụ QH cũng không tán thành việc không bổ sung chế định ly thân vào Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi.
Liên quan đến quy định cấm hôn nhân đồng giới trong Luật Hôn nhân gia đình 2000, UB thường vụ Quốc hội cho rằng, đến nay quan điểm và nhận thức của xã hội về vấn đề này đã thay đổi. Vì vậy, UB đề nghị bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính của Luật hiện hành, nhằm thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm bớt sự kỳ thị.
Vấn đề mang thai hộ được rất nhiều các đại biểu góp ý kiến tại phiên thảo luận. Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh, Đắk Nông ho rằng nên cân nhắc kỹ xem có nên đưa quy định mang thai hộ vào luật lần này hay tạm thời gác lại. Bà đề nghị cần phải xem xét thêm dưới góc độ của những đứa trẻ sau khi ra đời nhờ mang thai hộ, vì người chịu ảnh hưởng nhiều nhất, hậu quả pháp lý nhiều nhất chính là trẻ em.
Bà đặt câu hỏi: “Trẻ sinh ra sẽ sống như thế nào trong mối quan hệ máu mủ phức tạp như thế, khi có thể nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý xã hội, hòa nhập cộng đồng?” Lý giải cho chất vấn này, bà Hạnh cho rằng, đứa trẻ sinh ra không thể gọi người cưu mang mình trong quá trình thai kỳ là người mang thai hộ, mà phải gọi là mẹ. “Như vậy trong hồ sơ pháp lý pháp nhân phần khai về mẹ, ngoài việc phân biệt mẹ ruột, mẹ nuôi còn có mẹ mang thai hộ. Tôi cho rằng điều này sẽ rất khó xử lý” – bà nêu.
Tô Phương Thúy
Theo Lao động