Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm tàu cá “3 không” trước 20/11/2024 (Hình từ Internet)
Đây là nội dung được đề cập tại Công điện 111/CĐ-TTg ngày 04/11/2024 về việc tập trung thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu.
Theo đó, để quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, không để ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Thủy sản, đời sống sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển; đặc biệt là làm giảm uy tín, vị thế, hình ảnh của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Ban, Bộ, ngành và địa phương có liên quan tổ chức quán triệt, phân công cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, thời gian hoàn thành, kết quả đạt được để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU tại Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết 52/NQ-CP của Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về IUU.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; kịp thời động viên, khen thưởng và kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm các trường hợp không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Chủ động, phối hợp kịp thời giữa các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng trong công tác chia sẻ thông tin, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác IUU. Chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật trực thuộc trong tháng 11 mở đợt cao điểm đồng loạt triển khai lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý tàu cá “03 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động... Xử lý dứt điểm tàu cá “03 không” hoàn thành trước ngày 20 tháng 11 năm 2024.
Ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, rà soát, xác định các khu vực, các tàu cá thường xuyên vi phạm đánh bắt ở các vùng biển nước ngoài để tập trung lực lượng kiểm soát, ngăn chặn xử lý nhất là tại các tỉnh: Kiên Giang, Bình Định, Cà Mau (còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài); kiểm tra, điều tra, xác định nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp, đề xuất bổ sung, hoàn thiện pháp luật, giải pháp kỹ thuật, các chính sách phù hợp để quản lý hiệu quả, thực chất.
Đảm bảo nguồn lực, kinh phí, khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế; chuẩn bị nội dung và các điều kiện tốt nhất để đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC làn thứ 5; không để bị động, bất ngờ ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của cả nước.
Đối với Bộ Công an: Thủ thướng yêu cầu tập trung chỉ đạo công an các lực lượng và công an 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển kiểm soát tình trạng tàu cá mua bán, chuyển nhượng không thực hiện sang tên đổi chủ, tàu cá “03 không”, tàu cá, ngư dân địa phương khác hoạt động trên địa bàn quản lý không theo quy định pháp luật; tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm khai thác IUU, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, các hành vi vi phạm ngắt, gửi thiết bị VMS và các hành vi vi phạm nghiêm trọng theo quy định tại Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP.
Tích hợp định danh tàu cá, thuyền trưởng, công dân tham gia hoạt động khai thác thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để theo dõi, quản lý tàu cá.
Xem thêm tại Công điện 111/CĐ-TTg ngày 04/11/2024.