Hướng dẫn thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với hàng hóa từ kho ngoại quan rồi nhập khẩu trở lại nội địa (Hình từ Internet)
Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 5177/TCHQ-GSQL ngày 24/10/2024 hàng hóa xuất khẩu gửi kho ngoại quan rồi nhập khẩu trở lại nội địa.
Theo đó, Tổng cục Hải quan nhận được nhiều phản ánh của Cục Hải quan địa phương và doanh nghiệp vướng mắc về điều kiện hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam là thành viên đối với hàng hóa xuất khẩu gửi kho ngoại quan rồi nhập khẩu trở lại nội địa, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
- Về thuế suất áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu gửi kho ngoại quan rồi nhập khẩu trở lại nội địa:
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý Ngoại thương, quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu; Kho ngoại quan được Tổng cục Hải quan công nhận theo Nghị định 67/2020/NĐ-CP thì được xác định là khu phi thuế quan.
Do vậy, hàng hóa từ kho ngoại quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tương ứng.
- Về vận tải trực tiếp:
Quy định về vận chuyển trực tiếp tại các Thông tư hướng dẫn quy tắc xuất xứ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (như Điều 8 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 22/2016/TT-BCT) và Thông tư 38/2018/TT-BTC (thay thế bởi Thông tư 33/2023/TT-BTC) áp dụng cho quá trình vận chuyển hàng hóa từ lãnh thổ nước thành viên xuất khẩu tới lãnh thổ nước thành viên nhập khẩu, là quá trình hàng hóa được vận chuyển từ nước ngoài đến kho ngoại quan Việt Nam.
Đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu gửi kho ngoại quan rồi nhập khẩu trở lại nội địa không có hoạt động nào can thiệp vào hàng hóa, hàng hóa nằm trong sự giám sát của cơ quan hải quan nên đáp ứng quy tắc về vận chuyển trực tiếp.
Xem thêm tại Công văn 5177/TCHQ-GSQL ban hành ngày 24/10/2024.
Trình tự công nhận kho ngoại quan theo Điều 12 Nghị định 68/2016/NĐ-CP như sau:
- Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị công nhận gửi qua đường bưu điện, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống tiếp nhận thông tin điện tử của cơ quan hải quan đến Tổng cục Hải quan.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế kho, bãi. Kết thúc kiểm tra, cơ quan hải quan và doanh nghiệp ký biên bản ghi nhận nội dung kiểm tra.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế kho, bãi, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định công nhận kho ngoại quan hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp nếu chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.
- Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo và yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ. Quá 30 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo nhưng doanh nghiệp không có phản hồi bằng văn bản, Tổng cục Hải quan có quyền hủy hồ sơ.
>> Xem thêm: Những hành vi bị cấm trong quá cảnh hàng hóa