Nhiều đề xuất để hạn chế hành vi quá tải
Bộ Giao thông vận tải cho rằng, trong quá trình triển khai các giải pháp thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện nhằm nâng cao an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đã cho thấy một số quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính liên quan đến xử lý vi phạm quá trọng tải phương tiện, quá tải trọng cầu đường chưa thật thuận lợi để áp dụng trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường trách nhiệm trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ phương tiện thì cần bổ sung điều chỉnh mức xử phạt đối với hành vi vi phạm của đối tượng này. Quá trình quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát phương tiện cho thấy vai trò của chủ phương tiện cũng như người xếp hàng hóa lên xe chiếm vị trí rất quan trọng đối với việc người điều khiển phương tiện vi phạm quá trọng tải phương tiện khi chở hàng hóa, đòi hỏi muốn ngăn ngừa tình trạng chở quá trọng tải sẽ phải điều chỉnh tăng chế tài xử phạt phù hợp hơn nữa.
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 171 về vấn đề tải trọng theo hướng không xử phạt vi phạm vượt quá tải trọng đến 10% (riêng đối với xe xi téc chở xăng dầu thì đến 20% do kết cấu của xe và sự chênh lệch giữa tỷ trọng hàng hóa của xăng và dầu).
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 171 tăng cường xử lý mạnh hành vi vi phạm nghiêm trọng về trọng tải và phân chia rõ hơn mức vi phạm để xử lý hành vi vi phạm. Cụ thể, vi phạm trọng tải trên 60% đến 100% thì áp dụng hình thức xử phạt như Nghị định 171 là phạt từ 5 – 7 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2 tháng. Hành vi vi phạm chở quá trọng tải trên 100% đối với xe tải nhỏ hơn 5 tấn và xe tải từ 5 tấn trở lên sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 3 tháng (cao hơn mức phạt hiện hành vì Nghị định 171 chỉ quy định 1 mức vi phạm là trên 60% trở lên).
Ba đối tượng cần xử lý
Bộ Giao thông vận tải cũng lý giải, trong vi phạm về trọng tải có 3 đối tượng cần xử lý gồm người lái xe, người xếp hàng hóa lên xe ô tô và chủ phương tiện nên đã đưa ra những cách thức xử lý khác nhau cho từng đối tượng.
Theo đó, Dự thảo sửa đổi không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1 tháng với hành vi chở vượt quá trọng tải cho phép từ trên 10% đến 40% của xe tải nhỏ hơn 5 tấn và trên 10% đến 30% của xe tải từ 5 tấn trở lên. Đối với hành vi vi phạm chở quá tải từ trên 40% đến 60%, giảm thời hạn tước Giấy phép lái xe từ 2 tháng xuống 1 tháng. Như vậy sẽ giảm áp lực đối với người lái xe khi vi phạm ở mức độ chưa nghiêm trọng đến mức nghiêm trọng, tạo điều kiện cho người vi phạm sửa lỗi và giảm bớt khó khăn về việc làm.
Không những thế, Dự thảo sửa đổi dự kiến tăng cường trách nhiệm của người xếp hàng hóa lên xe ô tô và chủ phương tiện. Cụ thể, hành vi vi phạm xếp quá trọng tải phương tiện lên mỗi xe ô tô quá 40% sẽ bị phạt tăng lên 2 triệu đồng với cá nhân và 4 triệu đồng với tổ chức. Còn chủ phương tiện sẽ bị phạt từ 12 – 14 triệu đồng với cá nhân và 24 – 28 triệu đồng với tổ chức nếu để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 40% đến 60%; từ 14 – 16 triệu đồng với cá nhân và 28 – 32 triệu đồng với tổ chức nếu để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 60% đến 100%; từ 16 – 18 triệu đồng với cá nhân và 32 – 36 triệu đồng với tổ chức nếu để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 100%; đồng thời bổ sung trách nhiệm của chủ phương tiện xe tải có kích thức chưa đúng quy định hiện hành phải thực hiện đúng quy định nếu chở quá trọng tải cho phép.
Xử phạt kiểu “bốc thuốc” có thể gây nhờn luật
Rất nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình trước những đề xuất trên của Bộ Giao thông vận tải. Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đề nghị phải tăng mức tiền xử phạt thật nặng, có thể phạt 80 – 100 triệu đồng, áp dụng đối với tất cả các đối tượng từ người điều khiển phương tiện đến người xếp hàng và chủ phương tiện.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quốc Việt thì cho rằng việc xếp nhiều hàng hóa lên xe không thể chỉ là trách nhiệm của người xếp hàng hóa mà người lái xe cũng phải chịu trách nhiệm vì không bảo đảm an toàn trên xe. Hơn nữa, Dự thảo Nghị định cần hướng dẫn rõ hơn quá 10% tải trọng là như thế nào, chẳng hạn xe 4 chỗ chở 5 người, xe 15 chỗ chở thêm 3 người… có phải đã quá 10% chưa.
Đồng tình với ông Việt, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP.Hà Nội) Phạm Văn Hậu đánh giá, quy định trong Dự thảo “đến như người thực thi công vụ như chúng tôi hiểu còn khó, chứ đừng nói đến người dân hay chủ phương tiện”. Đối với các mức xử phạt, theo ông Hậu, các chế tài này vẫn chưa đủ sức răn đe, cần bổ sung hình thức xử phạt tạm giữ phương tiện vì đây là chế tài mà người vi phạm sợ nhất.
Cũng đến từ ngành Công an, ông Đỗ Văn Cương (Vụ Pháp chế, Bộ Công an) cho rằng, việc “đánh” nặng vào chủ phương tiện tại Dự thảo là chưa phù hợp vì phạt hành chính là phạt hành vi. “Hành vi chở quá tải là do lái xe tham tiền, chứ không phải của chủ phương tiện thì sao lại phạt chủ phương tiện nếu họ chỉ giao xe. Cần mô tả chính xác là sẽ phạt ai theo 2 trường hợp, chủ phương tiện là người lái xe và chủ phương tiện giao xe cho người khác lái” – ông Cương phân tích.
Tại cuộc họp tư vấn thẩm định Dự thảo sửa đổi do Bộ Tư pháp vừa tổ chức, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn lo ngại, việc xử phạt phân chia vi phạm tải trọng dưới 60% thì nhẹ, trên 60% lại tăng nặng theo kiểu “bốc thuốc” có khi phản tác dụng, gây nhờn luật, kích thích vi phạm.
Trong khi đó, kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền nhận định, vấn đề quá tải là vấn đề được dư luận quan tâm, ảnh hưởng nhiều đến người dân và doanh nghiệp nên dù được xây dựng theo thủ tục rút gọn vẫn cần phải có ý kiến của đối tượng điều chỉnh, của một số Bộ, ngành có liên quan nhằm tạo đồng thuận khi được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
Hoàng Thư