Tại buổi họp báo sáng 30/10, ông Huỳnh Đức Thơ, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2014 đến nay đang bộc lộ những hạn chế. Ông cho hay, theo quy định cùng nghị định và các văn bản dưới luật hướng dẫn, người nghiện ma túy là một loại bệnh cho nên phải đối xử với họ như một người bệnh. Vì thế việc đưa những người này vào các trung tâm cai nghiện là hạn chế quyền con người. Chỉ khi tòa án ra quyết định, chính quyền mới được đưa họ vào cai nghiện tập trung. Thực tế, các công đoạn từ tòa án họp cho đến lúc ra quyết định trải qua một công đoạn dài, như vậy phải mất thêm từ 6 đến 12 tháng cai nghiện tại cộng đồng và gia đình.
"Nếu việc cai nghiện tiếp tục không thành công thì mới lập hồ sơ, mà lập hồ sơ còn qua rất nhiều cơ quan như tư pháp, lao động thương binh xã hội, công an… Cứ mỗi cơ quan thêm 15 đến 20 ngày nữa họp rồi xét, tập hợp hồ sơ mới đưa cho tòa án xử thì quy định này hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn, và tôi dám chắc sẽ phá sản. Cả nước bây giờ không đưa được trường hợp người nghiện nào vào hết, mặc dù luật có hiệu lực từ 1/1", ông Thơ nói.
Thành phố là địa phương từng đưa thanh niên chậm tiến đến tham quan trại giam để các em ý thức hơn về hành vi của mình, sớm thay đổi trở thành người tốt. Ảnh:Nguyễn Đông. |
Báo cáo từ phía công an cho thấy, Đà Nẵng hiện có 1.888 người nghiện còn lang thang ngoài cộng đồng, tuy nhiên con số thực tế được cho là còn nhiều hơn. "Từ tháng 6 Đà Nẵng khởi động một cách làm riêng bằng việc ban hành một quy chế riêng để cai nghiện cho người nghiện ma túy. Những cái gì mà luật chưa rõ ràng, thông tư nghị định chưa rõ ràng, quy định chưa cụ thể thì Đà Nẵng quy định", ông Thơ thông tin.
Ở quy chế của Đà Nẵng, những quy trình lòng vòng của luật được gộp lại. Tức là các ngành tư pháp, công an, lao động thương binh xã hội của các quận, huyện ngồi lại một lần và trong vòng 3 ngày để thống nhất lập hồ sơ, chuyển qua tòa án. Tòa án phải ra quyết định trong vòng 3 đến 5 ngày là có đưa người nghiện vào cai nghiện tập trung hay không.
Quy chế đã làm xong và ban hành cách đây một tháng, và đồng thời kèm theo quy chế cũng ban hành chính sách hỗ trợ cho công tác này mới làm được. Hiện quận Hải Châu đã giải quyết được một số trường hợp. "Tuần sau chúng tôi tổ chức họp để tổng rà soát và củng cố lại tinh thần để anh em làm quyết liệt, vì cũng có những ý kiến cho rằng làm như thế là vi phạm và không đúng luật. Nhưng đây là việc làm nhân đạo, giúp người nghiện nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng", ông Thơ nói thêm.
Theo ông Thơ, trước khi làm cách trên, thành phố đã có văn bản nêu rõ những khó khăn, vướng mắc gửi lên cấp trên, cùng các bộ, ngành trung ương nhưng đến nay chưa nhận được thông tin phản hồi. Tuy nhiên thành phố vẫn phải làm vì từ lâu Đà Nẵng đã tuyên bố thành phố "5 không 3 có", trong đó không có người nghiện ma túy trong cộng đồng.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho biết thành phố vẫn xây dựng hai trung tâm thương mại tại hai chợ là chợ Hàn và chợ Cồn. Thành phố đang kêu gọi nhà đầu tư, và trong quá trình xây dựng sẽ tính toán để giữ lại những không gian, mặt hàng truyền thống, giải quyết thấu tình đạt lý lợi ích của các tiểu thương tại đây. Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP Đà Nẵng Võ Văn Thương thông tin, hiện Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đã chỉ đạo ủy ban thành phố xử lý, kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đến những sai phạm tại dự án Khu công nghệ cao. Việc tổ chức xe công tại Trung tâm hành chính khi bộ máy hoạt động tập trung hiện chưa được thực hiện do tầng hầm đỗ xe chưa hoàn chỉnh. Những trụ sở làm việc của các sở, ban ngành trước đây một phần được giữ lại để phục vụ cho các mục đích công cộng, còn lại sẽ được bán đấu giá để thu hồi lại vốn. Liên quan xóm 'ổ chuột' giữa trung tâm Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố cho biết việc giải tỏa gặp nhiều khó khăn vì không có quỹ đất tái định cư tại trung tâm. Tuần sau, Bí thư Thành ủy Trần Thọ sẽ xuống làm việc trực tiếp với người dân để cùng tìm hướng giải quyết. |
Nguyễn Đông