Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đã trả lời phóng viên Thanh Niên xung quanh những vấn đề dư luận đang quan tâm này.
|
|
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo môi trường kinh doanh năm nay, trong đó VN vẫn chưa thay đổi nhiều về thứ bậc xếp hạng. Những thay đổi về chính sách thuế, về kinh doanh và đầu tư trong luật Doanh nghiệp (DN) và luật Đầu tư lần này có thể sẽ có những thay đổi gì lớn để cải thiện vấn đề này, thưa ông?
Chúng ta cũng cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh bằng xây dựng một hệ thống chính sách thuế hấp dẫn. Quốc hội (QH) cũng đã thực hiện lộ trình cải cách thuế rất mạnh như thuế thu nhập DN trong 8 năm đã giảm từ 32% xuống còn 25%, 22% và sẽ chỉ còn 20%. Thuế GTGT của ta cũng thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực, nay còn duy trì 2 mức 10% và 5% khi trong khu vực có nước còn 15 -17%. Đồng thời, chúng ta áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm thuế để thu hút đầu tư. Ngay kỳ họp lần này cũng ban hành một số chính sách miễn giảm. Có lẽ họ (WB) lo ngại là về cải cách hành chính. Các thủ tục về đăng ký kinh doanh, cấp phép, thủ tục hải quan... còn có những khó khăn nhất định chứ nhìn chung là chính sách ta khá thông thoáng. Cho nên, trong các luật sửa đổi lần này, QH cũng có trách nhiệm sửa đổi chính sách, xử lý các vướng mắc đó. Ví dụ như về đầu tư, luật Đầu tư, luật về sử dụng vốn nhà nước sẽ chỉ ra, với nhà nước chỉ đầu tư vào lĩnh vực nào, tạo chính sách bình đẳng hơn để có dư địa đầu tư cho các thành phần kinh tế khác. Nhưng quan trọng nhất là chính sách của chúng ta phải ổn định. Ta phải có cam kết, những chính sách đã ban hành phải đảm bảo. Phải có đột phá trong cải cách thủ tục hành chính.
Việc sửa các luật về thuế sẽ có thay đổi lớn nào, thưa ông?
Sẽ phải cải thiện nhiều quy định, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, thuế… Ví dụ về cải cách thủ tục hành chính về thuế, thời gian DN nước ta phải kê khai là rất lớn, lên tới gần 900 giờ/năm. Chính phủ vừa qua đã buộc Bộ Tài chính giảm được khoảng 100 giờ làm thủ tục nhưng QH lần này có thể làm giảm 200 giờ nữa. Dù vậy cũng vẫn còn cao, còn tiếp tục phải rà soát, sửa đổi, giảm thủ tục trong các lĩnh vực khác như xuất nhập khẩu, rồi phải có chính sách để ngăn chặn ban hành giấy phép con. Ta có tình trạng chính sách chung thì thông thoáng nhưng đến các bộ, liên quan đến những vấn đề kỹ thuật thì thủ tục, quy định lại rườm rà.
|
|
Nhưng vẫn có không ít lo ngại khó có những cải cách lớn vì ngay trong các dự án luật DN (sửa đổi), luật Đầu tư (sửa đổi)... trình QH kỳ này vẫn có những quy định được cho là bảo thủ và một số bộ ngành vẫn cố gắng bảo lưu quyền ban hành những điều kiện kinh doanh, những giấy phép con có tính chất hạn chế kinh doanh?
Tôi biết là đang có những tranh luận về một số điều, khoản. Ví dụ như DN không được đặt tên trùng tên danh nhân. Nhưng chúng ta chưa có danh sách nào về danh nhân cả vì có danh nhân được nhà nước tôn vinh nhưng có những danh nhân do xã hội tôn vinh. Hay có những tranh cãi về việc đưa danh mục ngành nghề cấm hay hạn chế kinh doanh mà nhiều DN nói lẽ ra phải để ở luật DN thì lại đưa sang luật Đầu tư. Ta có điểm dở là nhiều luật chuyên ngành lại quy định quá chi tiết về ngành nghề kinh doanh. Cho nên cần phải đưa một số quy định trong luật chuyên ngành về luật xương sống như luật Đầu tư, nó sẽ bãi bỏ các quy định khác ở luật khác mà không phù hợp. Có những luật chủ đạo thì luật khác phải tuân thủ theo.
Tất nhiên là trong các dự án luật DN và luật Đầu tư vẫn còn những điểm có ý kiến khác nhau nhưng qua quá trình thảo luận của QH, sẽ thống nhất theo phương án tốt nhất. QH vẫn cố gắng cởi bỏ hết rào cản hạn chế quyền kinh doanh của DN theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Những gì pháp luật không cấm thì DN, người dân được phép làm.
Dân gặp khó khi yêu cầu cơ quan Nhà nước bồi thường Chính phủ vừa gửi báo cáo QH công tác bồi thường của nhà nước năm 2014. Báo cáo cho thấy trong năm 2014, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã giải quyết tổng số 94 vụ việc bồi thường với tổng số tiền xấp xỉ 8,8 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong số các vụ việc được thụ lý, giải quyết về bồi thường nhà nước, riêng hoạt động tố tụng đã thụ lý, giải quyết 67 vụ việc (có 32 vụ việc thụ lý mới), tăng 21 vụ việc so với cùng kỳ năm 2013, đã giải quyết xong 39/67 vụ việc, với tổng số tiền phải bồi thường gần 3,7 tỉ đồng. Tuy nhiên báo cáo cũng cho biết, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của cơ quan có trách nhiệm bồi thường đối với người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại còn chậm và đạt tỷ lệ thấp cả về vụ việc (8 vụ việc) và về giá trị tiền (hơn 507 triệu đồng), làm cho tác dụng răn đe, giáo dục trong xử lý trách nhiệm người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật nói riêng và đội ngũ cán bộ, công chức nói chung chưa cao. “Thông qua quá trình triển khai thi hành luật cho thấy, tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường chưa phản ánh đúng thực chất; người dân gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm bồi thường hoặc chậm trễ trong việc giải quyết bồi thường vẫn xảy ra...”, báo cáo nhận định. Bảo Cầm |
Mạnh Quân (thực hiện)