Chị Vân tại sân bay khi bị Vietjetair từ chối vận chuyển- Ảnh từ Facebook Van Theresa (Nguyễn Thị Vân)
Phòng Truyền thông, Hãng Hàng không Vietjet (VJA) thông tin với Tuổi Trẻ: hãng này sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc với nhân viên phục vụ chuyến bay đã có thái độ ứng xử và cách giải thích không phù hợp với hành khách Nguyễn Thị Vân.
Nói với Tuổi Trẻ, VJA cũng thành thật xin lỗi Vân, đồng thời sẽ tổ chức bình giảng, rút kinh nghiệm chung về công tác dịch vụ khách hàng, đặc biệt hành khách là người khuyết tật.
Chiều ngày 2-4, trên trang Facebook của chị Van Theresa (Nguyễn Thị Vân) đã đăng thông tin, VJA đầu Đà Nẵng đã từ chối vận chuyển chị vì cho rằng chị là người khuyết tật (NKT) nặng. Trong khi đó, vé khứ hồi của chị là Hà Nội - Đà Nẵng, thì chiều vào từ Hà Nội không gặp vấn đề gì.
Cho đến sáng nay, cư dân mạng vẫn tỏ thái độ bức xúc với nhân viên VJA.
“Việc này thể hiện hành động phân biệt đối xử với NKT. Hơn nữa thái độ xử lý vô trách nhiệm của Vietjet khi “mang con bỏ chợ” như vậy khiến tôi cảm thấy phẫn nộ” - Anh Đinh Phương Nam (nhân viên kinh doanh, quận Tân Phú) bày tỏ.
Anh Nam cho biết thêm: sau khi xem clip đăng tải trên mạng thì càng bức xúc hơn nữa khi nhân viên nam đang giải quyết sự vụ lại đùn đẩy cho một nhân viên nữ khác. Nhân viên nữ này lại gợi ý chuyển sang hãng VietNam Airline.
“Vậy rõ ràng các quy định của hãng có vấn đề. Hãng hàng không này có quy định mỗi sân bay mỗi khác nhau? Quy trình vận chuyển của hãng không đồng nhất? Phải chăng hãng hàng không giá rẻ thì đối xử với người khác như vậy” - anh Nam đặt vấn đề.
Không như một số ý kiến cho rằng “chị Vân đã tỏ thái độ đúng không đúng mực nên mới xảy ra sự việc căng như thế”, trên trang facebook của mình, tối qua, chị Vân đã viết: “Vân đưa thông tin lên mong mọi người giúp Vân đòi lại công bằng. Vân rất cảm ơn mọi người đã lên tiếng giúp Vân nhưng xin mọi người hết sức bình tĩnh và không comment (bình luận) những lời khiếm nhã”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Cử, phó giám đốc trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD, Viejet Air từ chối vận chuyển tại Đà Nẵng là vi phạm công ước quốc tế về Quyền của NKT và vi phạm Luật NKT Việt Nam.
Theo ông Cử, Việt Nam vừa phê chuẩn công ước quốc tế về quyền của NKT 3-12-2014. Mục đích của Công ước này là thúc đẩy, bảo vệ và đảm bảo người khuyết tật được hưởng đầy đủ và bình đẳng tất cả quyền con người và quyền tự do cơ bản và thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của họ.
Một trong những quyền đó, có quyền về “Sự di chuyển của cá nhân” (điều 20) quy định Các quốc gia thành viên Công ước này thực hiện những biện pháp hữu hiệu để đảm bảo sự độc lập trong đi lại của người khuyết tật ở mức cao nhất có thể, bao gồm bằng cách: Tạo điều kiện cho việc đi lại của người khuyết tật bằng phương tiện và thời gian mà họ chọn lựa, với chi phí có thể chấp nhận được.
Bên cạnh đó, theo luật NKT Việt Nam, có hiệu lực từ 1-1-2011, khi NKT tham gia giao thông được ưu tiên mua vé, được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
"Chúng ta thấy rằng, mặc dù cơ sở pháp lý đã quy định rất rõ và đầy đủ về quyền của NKT nhưng việc việc thực thi còn nhiều khó khăn do nhận thức giữa người với người. Để NKT được hưởng đầy đủ và bình đẳng các quyền của mình thì xã hội cần kết hợp cả ba yếu tố: thay đổi thái độ, thực thi luật pháp và tạo điều kiện thích hợp cho NKT", ông Cử chia sẻ.
DIỆU NGUYỄN