Công cụ giám sát tài nguyên môi trường biển có ưu điểm vượt trội

04/04/2015 15:52 PM

Hệ thống giám sát tài nguyên và môi trường biển bằng công nghệ viễn thám vừa hoàn thành có ưu điểm vượt trội so với các phương pháp truyền thống. Đây là công cụ duy nhất có hiệu quả khi một số khu vực biển, đảo thuộc chủ quyền của nước ta còn khó tiếp cận trực tiếp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có thông tin chính thức về quá trình hoàn thành hệ thống giám sát tài nguyên và môi trường biển bằng công nghệ viễn thám.

Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Xuân Lâm, công nghệ viễn thám có ưu điểm vượt trội so với các phương pháp truyền thống khác, về thông tin không gian rộng, đa thời gian, chính xác, khách quan, nhanh chóng. Trong một số trường hợp, đặc biệt là công tác giám sát tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nó là công cụ duy nhất có hiệu quả.

Với vị trí địa lý và hình thể nước ta có bờ biển dài, diện tích vùng biển rất lớn và có nhiều đảo lớn nhỏ, việc áp dụng công nghệ viễn thám và sử dụng nguồn dữ liệu ảnh từ trạm thu ảnh vệ tinh hiện có sẽ là giải pháp hữu hiệu để có được những thông tin cơ bản về tài nguyên môi trường biển. Ví dụ như các yếu tố vật lý, sinh học biển, hình dáng diện tích các đảo (đặc biệt quan trọng với những vùng xa bờ, những nơi khó có điều kiện tiếp cận để điểu tra bằng các phương pháp truyền thống như hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

Dự án “Giám sát tài nguyên biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám” được hoàn thành sẽ cho phép Việt Nam lần đầu tiên vẽ được bức tranh toàn cảnh về vùng biển quốc gia. Hiện, dự án đã hoàn thành 3 nhóm nhiệm vụ quan trọng. Đó là xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý đa thời gian cho toàn vùng biển và hải đảo bằng công nghệ viễn thám, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên đề về tài nguyên - môi trường biển và hải đảo bằng công nghệ viễn thám, xây dựng hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên - môi trường biển và hải đảo Việt Nam trên nền công nghệ viễn thám và địa tin học.

Theo ông Nguyễn Xuân Lâm, việc áp dụng công nghệ viễn thám trong điều tra, giám sát tài nguyên - môi trường biển, hải đảo là hoàn toàn khả thi và khoa học. Không thể có có một nguồn tài liệu nào bao quát trên một diện rộng, có khả năng cập nhật theo chu kỳ và chứa đựng nhiều thông tin khu vực biển tốt như nguồn tin từ ảnh viễn thám.

Tuy nhiên, có một thực tế là cơ sở hạ tầng viễn thám hiện vẫn còn rất yếu. Trạm thu ảnh viễn thám thu nhận dữ liệu từ vệ tinh nhỏ VNREDSat1 chưa đáp ứng được nhu cầu dữ liệu cho người sử dụng trong nước. Chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia nên việc quản lý, lưu trữ, khai thác dữ liệu viễn thám thu nhận được còn gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng truyền dẫn dữ liệu chưa đáp ứng được việc cung cấp dữ liệu trực tuyến nên đôi khi làm giảm tính hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ viễn thám.

Bên cạnh đó, mặc dù công nghệ viễn thám đã được ứng dụng từ những năm 1980 của thế kỷ trước nhưng chỉ chính thức trở thành một lĩnh vực và có cơ quan quản lý nhà nước khi Cục Viễn thám quốc gia được thành lập năm 2013. Chính vì vậy, các văn bản quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực viễn thám vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được việc quản lý các hoạt động viễn thám đang diễn ra mạnh mẽ trên cả nước.

Do đó, lãnh đạo Cục Viễn thám quốc gia kiến nghị Chính phủ cho phép tổ chức, quản lý, vận hành hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên – môi trường biển, hải đảo Việt Nam nhằm phát huy vai trò của công nghệ viễn thám trong việc cập nhật định kỳ hàng năm đối với công tác điều tra thông tin cơ bản về tài nguyên, môi trường biển, tiếp tục xây dựng các nhiệm vụ, dự án trong giai đoạn tiếp theo.

Thu Cúc

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,389

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]