Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón ông Tập Cận Bình khi ông tới Hà Nội tháng 12-2011. Ảnh: TTXVN |
Theo chương trình dự kiến, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường; gặp Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang và Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh.
Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc được dư luận hết sức quan tâm.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, về tổng thể, quan hệ hai nước phát triển mạnh.
Về quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư, theo Bộ Ngoại giao, kim ngạch thương mại Việt - Trung đã tăng hơn 1.800 lần, từ 32 triệu đô la Mỹ (1991) lên gần 60 tỉ đô la Mỹ (2014). Từ năm 2004, Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt 58,78 tỉ đô la Mỹ, trong đó Việt Nam xuất 14,91 tỉ đô la Mỹ, nhập 43,87 tỉ đô la Mỹ (lần lượt tăng 17,16%, 12,70% và 18,76% so với cùng kỳ 2013).
Về đầu tư, tính lũy kế đến hết tháng 02-2015, Trung Quốc có 1109 dự án tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký 7,99 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 9/101 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hai nước vẫn còn một số những vướng mắc, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến các mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực khác.
Theo Bộ Ngoại giao, sau khi bình thường hoá quan hệ, hai bên đã ký Thoả thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ (1993) và tiến hành đàm phán về 3 vấn đề: biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và vấn đề Biển Đông.
- Về biên giới trên đất liền: sau khi ký Hiệp định về biên giới trên đất liền (1999), ngày 31-12-2008, hai bên hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên bộ. Lần đầu tiên giữa hai nước có một đường biên giới trên đất liền hoàn chỉnh, được thể hiện rõ ràng trong các văn bản pháp lý. Tháng 7-2010, các văn kiện quản lý biên giới trên đất liền Việt - Trung là Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu chính thức có hiệu lực.
Đến nay, hai bên đang đàm phán để ký kết Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc.
- Về Vịnh Bắc Bộ: Hai bên đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (2000), Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2000) và Nghị định thư hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2004). Đến nay, các văn kiện này đều được triển khai tương đối thuận lợi.
- Về vấn đề biển Đông: hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” (2011), làm cơ sở cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo đó, hai bên nhất trí kiên trì giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần DOC (Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông).
Trong khuôn khổ đa phương, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC và Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 10 năm ký kết DOC. ASEAN hiện đã sẵn sàng và đang tích cực thúc đẩy đàm phán với phía Trung Quốc về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Riêng vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn nhiều bất đồng sâu sắc. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong bài viết nhân kỷ niệm 65 năm quan hệ hai nước đã nhấn mạnh: "Vấn đề Biển Đông đòi hỏi cả hai nước cùng nỗ lực kiên trì tháo gỡ khó khăn. Những diễn biến gần đây trên Biển Đông càng cho thấy sự cần thiết phải tôn trọng lợi ích chính đáng, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982".
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc lần này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục giải quyết các vấn đề còn tồn tại, góp phần tăng cường quan hệ hai nước, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.
Minh Đức