Chính sách mới >> Tài chính 28/11/2011 11:57 AM

T.S Cao Sỹ Kiêm: Nên phát hành chứng chỉ vàng để huy động vàng

28/11/2011 11:57 AM

Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố, vàng miếng SJC trở thành nhãn hiệu độc quyền của NHNN.

TS. Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, cách tốt nhất để huy động vàng trong dân là phát hành các chứng chỉ vàng.
 
NHNN vừa thành lập Tổ xây dựng Đề án sử dụng nguồn lực trong nước để bình ổn thị trường vàng. Theo ông, cách nào huy động vàng trong dân hiệu quả nhất?

Lượng vàng đang dự trữ trong dân rất nhiều, ước tính khoảng 500 tấn. Chỉ cần huy động được một nửa số vàng này thôi, chúng ta cũng đã có hơn 10 tỷ USD. Theo tôi, cách huy động vàng trong dân tốt nhất là phát hành các chứng chỉ vàng. Mỗi chứng chỉ tương ứng với số lượng vàng nhất định. Chứng chỉ này sẽ được trao cho người dân giữ, còn vàng vật chất thì Nhà nước giữ hộ người dân. Người dân có quyền sử dụng chứng chỉ vàng để cầm cố, mua bán, trao đổi trên thị trường và khi cần có thể rút vàng bất cứ lúc nào.

Nhà nước sử dụng vốn vàng này để phục vụ cho DN sản xuất - kinh doanh. Khi cần thiết, Nhà nước sẽ dùng số vàng này để can thiệp thị trường.

Với cách làm này, vàng sẽ không còn “nằm chết” trong dân, mà nghiễm nhiên biến thành tiền, có thể đưa vào quay vòng, lưu thông trong nền kinh tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước hết cần thực hiện được 3 vấn đề.

Thứ nhất, chính sách phải rõ ràng, minh bạch. Thứ hai, dịch vụ, hệ thống huy động vàng phải tốt. Thứ ba, phải có mạng lưới thông tin, kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Vậy có phải trả lãi cho các chứng chỉ vàng không và đơn vị nào phát hành chứng chỉ, thưa ông?

Chứng chỉ này nên giao NHNN  phát hành, thực hiện song song với việc ban hành  các quy chế sử dụng chứng chỉ vàng. Nên phân chứng chỉ vàng ra thành hai loại: loại phải trả lãi và loại không phải trả lãi, loại ghi danh và loại không ghi danh.

Với loại chứng chỉ ghi danh, người dân dùng để gửi vào ngân hàng thì được hưởng lãi ở một mức nhất định. Còn loại chứng chỉ không ghi danh, người dân có thể mang ra trao đổi, mua bán trên thị trường… thì không được hưởng  lãi.

Nhưng người dân nhìn chung vẫn có tâm lý e ngại gửi vàng vào ngân hàng thì dễ, nhưng rút ra thì khó. Cần phải làm gì để xóa bỏ rào cản tâm lý này?

Đúng là người dân có tâm lý như vậy. Cho nên, như tôi đã nói ở trên, chính sách phải công khai, minh bạch, phải có lộ trình, thời hạn thực hiện cụ thể, đảm bảo an toàn tài sản cho người dân. Có như vậy, người dân mới yên tâm gửi vàng cho Nhà nước giữ hộ.

Theo ông, Việt Nam có nên tăng dự trữ ngoại hối bằng vàng và trong tương lai, nên chấm dứt giao dịch vàng miếng  trên thị trường?

Tôi tán thành ý kiến này. Việc tăng dự trữ vàng giống như “đánh đồn thì phải có vũ khí”, không thể chỉ nói suông. NHNN muốn can thiệp thị trường vàng, ổn định giá, nhưng trong kho không có vàng thì làm sao mà can thiệp được. Dĩ nhiên, số vàng này không nên để nằm yên trong kho, mà phải có phương án sử dụng hiệu quả.

Về giao dịch vàng miếng, theo tôi, trong tương lai nên cấm, song trước mắt, có thể thay thế giao dịch vàng miếng bằng cách phát hành chứng chỉ vàng để người dân giao dịch, rút ra, gửi vào thông thoáng, tài sản được đảm bảo mà Nhà nước vẫn có thể dự trữ vàng.
 
Theo Thùy Liên
Báo đầu tư

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,386

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]