Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại Việt Nam hiện là một việc hết sức cấp bách và cần thiết. Một nền kinh tế chỉ có thể phát triển lành mạnh khi được sự hỗ trợ của một hệ thống ngân hàng khỏe mạnh. Diễn biến của khủng hoảng tài chính toàn cầu, những ảnh hưởng của nó tới Việt Nam và bản thân các khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam cho thấy, đây là thời cơ để tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng một cách toàn diện nhất. Nếu nền kinh tế phát triển tốt và vẫn thuận lợi như trước đây, đòi hỏi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ không thực sự bức thiết đến như vậy.
Chủ trương, chính sách và hoàn cảnh thị trường đã rất thuận lợi cho sự cải tổ về cơ bản hệ thống ngân hàng Việt Nam. Điều quan trọng là quyết tâm và sự kiên định trong quá trình thực hiện. Vấn đề đặt ra hiện nay là lựa chọn cách thức tái cấu trúc như thế nào để hiệu quả cao nhất và không gây xáo trộn cho hệ thống ngân hàng.
Quá trình tái cấu trúc ngân hàng nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Theo tôi, cần phải làm rõ các phân khúc thị trường cho từng loại ngân hàng; xây dựng tiêu chí tái cấu trúc và minh bạch hóa tình hình tài chính của các ngân hàng trước khi tiến hành tái cấu trúc. Sự minh bạch này sẽ đóng góp vào việc xác định giá trị thực sự của các khoản nợ xấu.
Tái cấu trúc ngân hàng cũng nên đi cùng với tái cấu trúc nợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ cho ngân hàng yếu để tránh một cuộc khủng hoảng tín dụng trong ngắn hạn cũng như hạn chế nguy cơ khủng hoảng về tâm lý trong dài hạn; sau đó mới xử lý vấn đề chuyển quyền sở hữu. Ngoài ra, một trong những điểm cũng rất quan trọng là kế hoạch tái cấu trúc của NHNN cần được công khai và các hành động phải kiên quyết.
Và tái cấu trúc cần phải tập trung vào những nội dung nào?
Theo ông, đâu là những chỉ tiêu cơ bản cần làm rõ đối với các ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc?
Ví dụ như tỷ lệ nợ khó đòi trên vốn chủ sở hữu, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, khả năng thanh khoản... Các tỷ lệ này cần được báo cáo và kiểm soát chặt chẽ, minh bạch thông qua sự giám sát của NHNN và các đơn vị kiểm toán độc lập; được thông báo công khai làm cơ sở cho việc xếp hạng tín nhiệm.
Cần làm gì để áp dụng được các thông lệ tốt của quốc tế vào việc tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam?
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đặt vấn đề về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng bởi rất nhiều các quốc gia trong khu vực châu Á đã trải qua thời kỳ này, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Tôi tin rằng, các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực về vốn, công nghệ, quản trị và kinh nghiệm trong việc tái cấu trúc (đặc biệt trong quản trị, điều hành sau sáp nhập, mua lại) sẽ sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các ngân hàng Việt Nam trong việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống - một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nhưng cũng hết sức khó khăn.
Theo tôi, Chính phủ Việt Nam có thể thành lập Ban tư vấn về cải cách ngân hàng với sự tham gia cố vấn của các tổ chức tài chính và luật quốc tế. Thực tế hiện nay, Chính phủ đã rất cởi mở trong việc tham khảo những thông lệ quốc tế tốt nhất áp dụng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thông qua các kênh như: Diễn đàn doanh nghiệp; các hội thảo và các cuộc thảo luận với các chuyên gia tài chính quốc tế…
Lộ trình tái cấu trúc hệ thống NHTM, theo ông, sẽ kéo dài trong bao lâu?
Cũng rất khó bình luận về thời gian của công cuộc tái cấu trúc. Vấn đề là phải định dạng chi tiết và cẩn thận để đề ra một kế hoạch và lộ trình cần thiết. Tôi lấy ví dụ công cuộc cải cách ngành Ngân hàng ở Trung Quốc bắt đầu từ năm 1997 và diễn ra chủ yếu trong thời gian 1997 - 1999. Hồng Kông (Trung Quốc) đã trải qua cuộc khủng hoảng ngân hàng thời kỳ 1983 - 1986 và cuộc tái cấu trúc ngân hàng diễn ra từ 1986. Nhưng cho tới tận cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Cơ quan Quản lý tiền tệ của Hồng Kông (HKMA) vẫn nỗ lực sửa đổi những quy định luật pháp cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tức là quá trình cải tổ lĩnh vực ngân hàng vẫn tiếp tục diễn ra trong một thời gian dài…