Ngân hàng nhỏ tăng vốn điều lệ là yêu cầu thường xuyên từ chính ngân hàng cũng như từ cơ quan quản lý do đặc thù của ngành. Tuy nhiên, có nhiều đặc điểm của năm 2012 khiến các ngân hàng nhỏ phải tranh thủ tăng vốn.
Tổng giám đốc một NHTM nhỏ cho biết, ông đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng trong năm 2012, từ mức trên 3.000 tỷ đồng hiện nay, chờ họp ĐHCĐ sẽ trình để thông qua.
Chủ tịch HĐQT một NHTM quy mô tương đương cho biết, mặc dù chưa lên kế hoạch chính thức, nhưng ngân hàng ông cũng đã dự kiến tăng vốn điều lệ trong năm 2012. Cả hai vị lãnh đạo trên đều có quan điểm, tăng vốn điều lệ là chuyện bình thường đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu doanh nghiệp có các nguồn vốn dự trữ bổ sung, có thặng dư vốn hoặc có chiến lược phát hành cổ phiếu huy động vốn…, nhằm mở rộng và phát triển doanh nghiệp.
“Ngân hàng tôi đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ trên cơ sở nhu cầu nội tại và chủ yếu dựa trên nguồn lợi nhuận để lại, thặng dư vốn... chứ không tăng mới từ cổ đông nên phần nào có thể chủ động”, vị tổng giám đốc trên cho biết.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc tăng vốn điều lệ luôn là điểm quan trọng trong hoạt động của các ngân hàng nhằm cổ động niềm tin của cổ đông đối với ngân hàng. Còn hiện tại, việc tăng vốn phần nào giúp các ngân hàng tránh được câu chuyện hợp nhất, sáp nhập hoặc kể cả khi bị sáp nhập chăng nữa, với ưu thế vốn chủ sở hữu cao sẽ giúp họ có “thế” tốt trong việc bàn thảo cũng như nắm vị trí cao nhất tại ngân hàng sau sáp nhập.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính Bộ Tài chính, có ba vấn đề chính trong câu chuyện tăng vốn điều lệ của các ngân hàng: Thứ nhất, hiện các ngân hàng đều phải cạnh tranh lẫn nhau và ngân hàng nào cũng muốn vào nhóm G12 (nhóm xếp hạng tốt nhất của NHNN), trong đó, tiêu chí cơ bản là quy mô vốn điều lệ. Do vậy, các ngân hàng buộc phải tăng vốn như là một biểu hiện chứng tỏ mình là một ngân hàng lớn mạnh. Thứ hai, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đang trong giai đoạn cơ cấu lại. Những ngân hàng tăng vốn thành công sẽ có điều kiện để gia tăng tài sản, hiện đại hóa công nghệ, mở rộng chi nhánh....
Thứ ba, việc tăng vốn cũng có thể là câu chuyện đa dạng hóa sở hữu cũng như để đề phòng khả năng Chính phủ sẽ siết chặt hơn hoạt động đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, công ty nhà nước. Hơn nữa, NHNN đã nói, sau 6 tháng sẽ điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng, do vậy, các ngân hàng cũng rất muốn khẳng định mình dù là nhỏ song không yếu, bởi cổ đông vẫn tin tưởng, thị trường vẫn mua cổ phiếu, vốn điều lệ vẫn tăng.
“Việc các ngân hàng đặt kế hoạch tăng vốn tuỳ thuộc vào ý muốn của ĐHCĐ, HĐQT, còn việc có tăng được hay không còn phụ thuộc vào thị trường. Nhưng dẫu sao, đây chính là một cơ hội để kiểm định thị trường và các ngân hàng”, TS. Ánh nói.
Trong một tương quan khác, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho rằng, về nguyên tắc, việc tăng vốn ở bất cứ thời điểm nào cũng đều tốt, miễn là tăng vốn một cách tự nguyện. Hiện nay, việc tăng vốn của các ngân hàng nhỏ đang là tự nguyện chứ không bị bắt buộc do hai nguyên nhân:
Thứ nhất, hệ thống ngân hàng đang trong tiến trình tái cơ cấu và đây cũng là dịp tốt cho các ngân hàng tái cơ cấu lại chính mình, bởi sau giai đoạn này, ngân hàng nào chậm là mất cơ hội. Hiện nay, việc tăng vốn đa phần để mở rộng đầu tư nội tại chứ không phải để cho vay thêm, vì room cho vay đã “cứng” rồi, không thể cho vay thêm được nữa.
Thứ hai, nền kinh tế khó khăn nên các ngân hàng tăng vốn không phải chỉ để mở rộng cho vay mà là để cải thiện tình hình tài chính, có sức đề kháng tốt hơn với những bất ổn của thị trường. Đồng thời, nguồn vốn này, ngân hàng không phải trả lãi nên hỗ trợ cho các ngân hàng trong tình trạng khó khăn hiện nay.
Ông Văn phân tích thêm, tình hình tài chính của các ngân hàng nhỏ rất yếu, nợ xấu nhiều..., nên nếu muốn tồn tại, bắt buộc phải tăng vốn để gượng dậy, tạo đà phát triển về sau. Bản thân mỗi ngân hàng biết rất rõ sức của mình như thế nào để uống liều thuốc bổ phù hợp. Bên cạnh đó, TTCK đang trong giai đoạn phục hồi. Những dấu hiệu gần đây khiến thị trường có niềm tin là nền kinh tế đã bắt đầu khôi phục lại và khi đó, một trong những hành động khôn ngoan nhất là đầu tư vào những tài sản rẻ nhất vì giá đã chạm đáy. TTCK hồi phục cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình tăng vốn của các ngân hàng.
“Tăng vốn điều lệ hiện nay của các ngân hàng nhỏ nên nhìn nhận ở góc độ tích cực, không nên hiểu theo nghĩa ‘đua’ nhau tăng vốn’, ông Văn nhấn mạnh.