Xoay quanh vấn đề về tái cấu cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) nhìn từ Quyết định 254 của Chính phủ, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng nếu đưa một thông điệp tái cơ cấu không hợp lý sẽ làm xói mòn niềm tin đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế
Hệ thống NHTM nước ta đã có các biểu hiện bất thường từ bề ngoài đến những trục trặc có tính hệ thống sâu xa nền tảng bên trong, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tái cơ cấu. Điều đầu tiên cần nói đến là 2 khái niệm: thiếu thanh khoản và tình trạng không có khả năng thanh toán.
Về mặt triệu chứng 2 loại này giống nhau nhưng bản chất khác nhau. Nếu một NH thiếu thanh khoản chỉ cần bơm vốn là có thể giải quyết xong, nhưng với NH mất khả năng thanh toán, phá sản về kỹ thuật, bơm vốn chỉ giảm căng thẳng thanh khoản phần nào nhưng về sau triệu chứng đó lại xuất hiện trở lại.
Hiện nay một số NHTM nằm trong tình trạng mất khả năng thanh toán chứ không thuần túy là thiếu thanh khoản. Hơn nữa tình trạng thiếu thanh khoản và mất khả năng thanh toán không chỉ tồn tại ở những NH nhỏ và vừa mà còn ở NHTM lớn. Sự bất thường còn thể hiện qua tình trạng cạnh tranh, lách trần lãi suất, đã đẩy lãi suất liên NH có lúc lên rất cao trong thời gian dài.
Tình trạng tín dụng đen nở rộ cho thấy có sự liên thông rất chặt chẽ giữa thị trường tín dụng đen và chính thức. Vì vậy, những dấu hiệu vỡ nợ của tín dụng đen là lời cảnh báo về khó khăn của thị trường tín dụng chính thức. Bất cập nữa là chất lượng quản trị của các NHTM và cả hệ thống tài chính nói chung còn yếu.
Một “căn bệnh” khác đang trong trạng thái nguy hiểm của hệ thống NHTM nước ta là tính chồng chéo rất phổ biến. Cụ thể, các tập đoàn nhà nước và tư nhân sở hữu NH, các NH sở hữu lẫn nhau. Mối quan hệ chằng chịt này được hình thành giống như “mạng nhện”, mà khi tác động bất kỳ điểm nào trong “mạng nhện” ấy sẽ có tác động lan tỏa đến tất cả phần còn lại của hệ thống.
Điều này cho thấy cải cách NH hay tái cơ cấu nền kinh tế là bài toán vô cùng khó. Bởi nó không chỉ động chạm đến một nhóm lợi ích mà còn tác động đến tổng thể cả về quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ lệ nợ xấu hiện nay khoảng 3%, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nói có thể lên 6-7%, nhưng theo tôi thực tế có thể lớn hơn nhiều. Có điều này do hệ thống NHTM nước ta phát triển quá nhanh trong thời gian quá ngắn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong suốt 20 năm trở lại luôn ở mức 30-35%. Bên cạnh đó là tình trạng vốn ảo.
Trong quá trình tăng vốn của hệ thống NHTM có những mốc rất quan trọng: 1.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Nhiều NH chuyển từ nông thôn sang đô thị có lượng vốn tăng rất nhanh, có những NH cách đây 7 năm vốn điều lệ chỉ 17 tỷ đồng đến nay đã 3.000 tỷ đồng. Trên thực tế một phần không nhỏ vốn này là vốn ảo, NH đi vay của nhau để tăng vốn.
Thông điệp từ đề án?
Vấn đề đặt ra lúc này là NHNN thực hiện tái cơ cấu hệ thống NHTM như thế nào? Quyết định 254 của Chính phủ phê duyệt đề án của NHNN về việc tái cơ cấu NHTM đã thể hiện những quan điểm sau: Tái cơ cấu NHTM là nâng cao vai trò chi phối của NHTM nhà nước, khu vực này thực sự là chủ lực, chủ đạo của hệ thống tổ chức tín dụng.
Điều đó có nghĩa NHNN coi khu vực NHTM nhà nước là giải pháp chứ không phải là một phần nguyên nhân, như vậy trong tương lai chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến các NHTM nhà nước tiếp tục được hưởng những ưu đãi. Liệu có bất bình đẳng so với các khu vực khác của nền kinh tế?
Việc cổ phần hóa các NHTM nhà nước được đề cập trong Quyết định 254 cũng đang khiến nhiều người thắc mắc. Bởi qua dự án cổ phần hóa của BIDV cho thấy NH này chỉ cổ phần hóa một tỷ lệ rất nhỏ (trên 3%), sẽ rất khó thay đổi bất kỳ điều gì cho NH (cơ cấu sở hữu, quản trị, điều hành…).
Thông điệp của đề án 254 còn nêu vấn đề M&A tự nguyện. Thực tế ở Việt Nam cho tới thời điểm này chưa có hoạt động M&A nào được coi là tự nguyện. Điều này thể hiện rõ qua việc hợp nhất 3 NHTM cổ phần đầu tiên thực ra là cùng sở hữu, sở hữu chéo.
Một số dự án hợp nhất khác đến nay NHNN vẫn chưa chính thức công bố. Trong khi đó, tái cơ cấu toàn diện về tài chính, hoạt động quản trị, đề án chỉ mang tính định hướng chính sách nhiều hơn là các biện pháp cụ thể.
Cuối cùng, đề án nhấn mạnh việc tái cơ cấu như thế nào đi nữa cũng kiên quyết không để xảy ra đổ vỡ, có nghĩa không NH nào sẽ bị phá sản và không có chủ NH nào bị mất vốn. Vấn đề đặt ra ở đây là động cơ, khuyến khích tái cơ cấu.
Bởi thực tế trường hợp hợp nhất đầu tiên chủ sở hữu không hề mất vốn và còn được bơm thêm vốn từ NHNN. Điều đó tạo ra sự khuyến khích ngược, hệ quả những NH khác nhìn vào và cho rằng mình cũng sẽ làm như vậy. Thông điệp như vậy sẽ làm xói mòn niềm tin với hệ thống NH và nền kinh tế.