Một số chuyên gia cho rằng, những quy định mới trong Nghị định 24 của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ 25/5/2012) sẽ khuyến khích doanh nghiệp liên kết lại thành một doanh nghiệp đủ lớn, nâng thị phần lên để có thể chủ động bán được vàng cho người dân với mức giá hợp lý.
Như vậy, quyền lợi của người dân trong mua, bán vàng sẽ được bảo vệ hạn chế tình trạng đầu cơ giá như của một số doanh nghiệp trước đây. Ưu thế nổi bật của Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng miếng là sẽ đưa thị trường vàng vào nề nếp, nhưng nhiều chuyên gia vẫn lo ngại nhiều bất cập: Liệu giá vàng trong nước vẫn cao hơn nhiều so với thế giới do hạn ngạch quota nhập khẩu? Các doanh nghiệp vẫn có khả năng liên kết để độc quyền quyết định giá mua-bán?...
Vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới nếu còn... quota ?
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thẳng thắn: "Theo Nghị định, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cần có quota. Như vậy, vẫn giữ chế độ hạn ngạch quota thì giá vàng trong nước và thế giới không thể gần nhau được. Thực tế, những ngày qua, giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng”.
Về lâu dài, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu vàng vẫn bị quản lý theo chế độ quota, giá vàng trong nước và thế giới rất khó xích lại gần nhau. Hệ quả, tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới chắc chắn vẫn sẽ tiếp diễn. Điều này, làm cho một khối lượng ngoại tệ lớn bị tuồn ra nước ngoài. Cán cân thanh toán quốc tế có thể thâm hụt hàng tỷ USD hàng năm.
Một số người lo lắng, những doanh nghiệp lớn được phép kinh doanh vàng sẽ liên kết lại, có thể dẫn đến chuyện "làm giá", quyết định giá bán khiến người dân chịu thiệt. Trả lời cho vấn đề này, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc NHNN Việt Nam nhận định: "Theo tôi, NHNN sẽ lường trước được những "hệ quả" này và có những "liệu pháp" cụ thể để quản lý. Hiện tượng "làm giá" chắc chắn sẽ khó có thể xảy ra. Việc Nhà nước quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng sẽ kéo dần khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với thế giới. Nhà nước độc quyền sẽ kiểm soát được cả phần nhập, xuất, cũng như dự trữ vàng nên nếu có trường hợp xảy ra “vấn đề” thì khả năng ứng cứu sẽ nhanh hơn. Việc ứng phó sẽ quyết đoán không phải qua một tổ chức hay đơn vị trung gian nào".
Lý giải cho thực tế giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới những ngày qua, ông Kiên cho rằng, đó là hệ quả của một thời gian dài tồn tại bất cập trong quản lý. “Theo tôi, việc ra đời Nghị định này là rất cần thiết để đưa hoạt động kinh doanh vàng vào quân luật”, TS. Kiên nhận định.
Băn khoăn trước một số bất cập
Ngân hàng Nhà nước đã công bố chính thức danh sách 4 ngân hàng và 5 công ty vàng bạc đá quý gửi danh sách báo cáo mạng lưới mua bán vàng miếng. Những công ty này phải báo cáo chi tiết về mạng lưới mua, bán vàng miếng hiện nay của mỗi đơn vị (ghi rõ tên chi nhánh, cửa hàng; địa bàn tỉnh, thành phố, huyện, phường, xã) nhằm đáp ứng nhu cầu mua, bán vàng miếng của người dân trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Người dân được quyền sở hữu vàng, họ có toàn quyền quyết định vì đó là quyền định đoạt tài sản theo pháp luật dân sự, cụ thể là người dân có quyền được mua bán, cho tặng hoặc thừa kế.
Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 24, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng hiện tại sẽ không đủ điều kiện và sẽ bị... xoá sổ. Bởi lẽ, theo quy định với các tổ chức tín dụng, điều kiện được cấp phép ngoài những giấy tờ như giấy phép đăng ký kinh doanh thì nghị định yêu cầu thêm có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng trở lên và có mạng lưới chi nhánh từ 5 năm ở các tỉnh.
Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam cho rằng: "Điều kiện này không quá khó đối với các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp thì quy định là cần có vốn điều lệ 100 tỉ đồng trở lên và có số thuế đã nộp từ 500 triệu đồng/năm trong hai năm liên tiếp gần nhất là một thử thách lớn. Điều kiện này sẽ loại bỏ 90% các tiệm vàng đang kinh doanh vàng miếng hiện nay, nên cũng phải tính đến khả năng khi các ngân hàng đóng cửa".
Ông Hải cũng nêu những băn khoăn người dân có vài chỉ vàng mà nhà ở tận các xã xa xôi sẽ đem bán ở đâu? Trong khi đó, trước đây họ chỉ cần ra xã hoặc thị trấn là có thể bán được. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính thuận lợi trong mua, bán của người dân. Nhìn nhận thực tế này, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch UB giám sát tài chính Quốc gia giả thuyết: "Trong điều kiện xa xôi như vậy, lẽ nào họ phải ra tận thành phố lớn để bán được vàng? Thực tế, theo điều kiện chỉ có một số công ty kinh doanh vàng miếng tồn tại được. Hơn nữa, họ có mở thêm chi nhánh thì giỏi lắm cũng chỉ đến tỉnh, thị xã, còn vùng sâu vùng xa bà con phải đi... xe ngựa lên trung tâm thành phố mà bán vàng hoặc mua vàng".
Mặc dù mua, bán vàng sẽ không thuận lợi như trước đây, tuy nhiên theo một số chuyên gia, người dân vẫn có xu hướng tích lũy vàng vì lo ngại sự mất giá của tiền đồng. Hơn nữa, khi tiền đồng nước ta chưa tham gia giao dịch quốc tế được, kênh đầu tư khác không thể đến với tất cả triệu người dân thì tích lũy vàng sẽ vẫn là một nhu cầu. Tuy nhiên, khi mua vàng họ chịu mức phí chênh lệch tới 3 triệu đồng so với thế giới thì người dân phải chịu thiệt đơn, thiệt kép. Bởi thế, người dân muốn mua tín phiếu bằng vàng - giá thay đổi theo giá thế giới lại được lãi suất, nhưng Thông tư 11 áp dụng ngay thì sắp tới người dân sẽ lúng túng không biết đầu tư ở đâu.
Trước những băn khoăn này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đưa ra quan điểm: "Nhà nước không khuyến khích người dân tích trữ, kinh doanh vàng miếng mà khuyến khích đưa nguồn vốn nhàn rỗi vào thị trường tài chính, thị trường vốn". Đứng về góc độ nhà đầu tư vàng, chuyên gia này khuyến cáo: Nhà đầu tư nên có kế hoạch đầu tư dài hạn, ít nhất sáu tháng, tránh tình trạng đầu cơ trong thời gian ngắn bởi rủi ro sẽ là rất lớn.
Giải quyết được nhiều mục tiêu "Nghị định lần này đã đi cả một bước dài, thống nhất được quan điểm, thống nhất được cơ chế quản lý. Thắng lợi lớn nhất là thống nhất được cách quản lý vàng, đó là phải độc quyền sản xuất, không chấp nhận vàng là phương tiện thanh toán. Sau đó là có cơ chế nhận tiền gửi bằng vàng, chấp nhận quyền sở hữu vàng của người dân. Theo tôi, để đạt được những thống nhất này hoàn toàn không hề dễ dàng. Trước sau gì cũng phải quản lý, cũng phải chống được vàng hóa nền kinh tế. Vấn đề lâu dài cần đặt ra là làm thế nào để huy động được lượng vàng khổng lồ dự trữ trong dân để đưa vào sản xuất. Làm sao bình ổn được thị trường vàng, để thị trường vàng trong nước thông với thế giới. Từ trước đến nay, chúng ta cứ nhùng nhằng 4 mục tiêu. Vàng thì nằm trong dân, giá vàng trong nước với thế giới thì chênh lệch, buôn lậu xuất hiện, vàng hóa, thanh toán bằng vàng… Nghị định lần này là bước đi hiệu quả để thống nhất, cùng một lúc giải quyết được nhiều mục tiêu". (TS. Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) |
Theo Vương Hà- Anh Đức
Người đưa tin