Chờ đợi và ẩn ý?
Cả hai chỉ số chứng khoán đều đã kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4/2012 với đường biểu diễn đỉnh sau cao hơn đỉnh trước. Như vậy, thị trường chứng khoán đã gần như đi ngang trong hai tháng liên tiếp, với độ tăng răng cưa biên độ hẹp, tạo ra một khác biệt đáng kể với hai tháng đầu tiên phục hồi khá mạnh của năm 2012.
Sự khác biệt trên có thể nói lên điều gì? Như đã đề cập trong những bài bình luận trước đây, với tiền lệ suy giảm dường như chưa có đà dừng cho đến cuối năm 2011, chứng khoán vẫn còn vô số cơ hội để tiếp tục lao dốc. Nguy cơ tai biến như thế chỉ có thể được khắc chế bởi một lực cầu hùng hậu sẵn sàng đổ vào nhóm bluechip mỗi khi thị trường muốn tuột dốc mạnh.
Trong thực tế, lực chặn phía dưới đã luôn tồn tại, khiến cho thị trường không thể rơi mạnh. Không những thế, trong khoảng thời gian kéo ngang hai tháng vừa qua, các nhóm đầu cơ nhỏ lẻ còn tranh thủ đánh lên lần lượt nhóm cổ phiếu bất động sản và gần đây nhất là nhóm cổ phiếu khoáng sản, tạo cho thị trường một độ hưng phấn thường trực mà không bị rơi vào trạng thái buồn ngủ như cuối năm ngoái.
Vấn đề còn lại là đà kéo ngang, hoặc chính xác hơn là đà tăng răng cưa chậm chạp của thị trường sẽ kéo dài bao lâu nữa. Hai tháng tăng và hai tháng đi ngang có thể làm cho nhiều nhà đầu tư hoài nghi về điều được gọi là "thiện chí" của nhóm tạo lập thị trường. Phải chăng họ chỉ muốn kéo ngang chỉ số để xả hàng? Giả thuyết này cũng rất có lý, nếu xét đến lượng kẹp hàng khổng lồ của nhiều nhóm đầu cơ và nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài.
Nhưng lại có một thực tế là nhiều quỹ nước ngoài vẫn tiếp tục mua vào, ít nhất thể hiện trên con số thống kê. Trong khi đó, cán cân thông tin nghiêng về hướng tích cực nhiều hơn tiêu cực đối với TTCK. Rõ ràng vấn đề lạm phát hay giá xăng dầu, giá điện tăng vẫn không phải là một ám ảnh quá lớn đối với các nhà đầu cơ. Ngược lại, hai lần giảm lãi suất huy động của Ngân hàng nhà nước, kèm theo xu hướng giảm dần lãi suất cho vay và dẫn tới nới dần tín dụng đối với chứng khoán, đã khiến thị trường này đang chuyển sang tư thế sẵn sàng mua vào hơn là bán ra cổ phiếu.
Loại trừ khả năng suy giảm trên cơ sở tất cả những thông tin tiêu cực đã hầu như không có tác động mạnh đến thị trường trong thời gian qua, hiển nhiên đà tăng tiến trong thời gian tới của chỉ số chứng khoán là chắc chắn. Nếu có thể tham khảo, cũng cần để mắt tới hình ảnh các chỉ số chứng khoán Mỹ như Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đang hình thành xu thế ít ra là đi ngang.
Nhân tố mới?
Tuy vậy, chứng khoán chỉ có thể bật mạnh như mong muốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, với điều kiện phải xuất hiện dòng tiền nóng và mạnh của các nhà đầu tư tổ chức. Trong hai tháng qua, dòng tiền ấy lúc hiện lúc mất, cứ như một sự trêu ngươi. Từ đó, hẳn không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ phải đặt câu hỏi: thị trường được kéo ngang để làm gì?
Tất nhiên với TTCK Việt Nam, nơi mà sự lũng đoạn đã lên đến mức cao độ, được chứng minh bằng hình ảnh "xanh vỏ đỏ lòng" trong suốt năm 2011 và thậm chí đến cả bây giờ, không có gì là không thể làm được dưới bàn tay của nhóm tạo lập thị trường. Cũng bởi thế, hoàn toàn có lý do để nghi ngờ rằng thời gian kéo ngang trong hai tháng 3-4/2012 là có ẩn ý chứ không phải do ngẫu nhiên.
Ẩn ý gì vậy? Chứng khoán chờ nền kinh tế phục hồi tương ứng rồi mới tăng tiếp, như một quy luật đồng pha và do đó mới tỏ ra hợp lý hơn? Hay đơn giản là một số tổ chức còn chưa gom hàng đủ nên vẫn cần có thời gian để tích lũy cổ phiếu? Hoặc thị trường được kéo ngang một cách cố ý để chờ đợi một yếu tố gì khác?
Thực ra trong lịch sử vận động của mình, chứng khoán rất hay... chờ đợi. Nếu phân tích kỹ, người ta có thể nhận ra các khoảng chờ đợi như thế đã "trải nghiệm" trong ít nhất năm 2007 và rõ nhất là hai năm 2009 - 2010. Cùng với đường biểu diễn hoặc giảm điều chỉnh, hoặc kéo ngang, hoặc răng cưa đi lên, bối cảnh của nền kinh tế hoặc của một vài thị trường đầu cơ khác cũng xuất hiện những nhân tố mới.
Cũng cần chú ý là vào tháng 4/2012, bất động sản đã bắt đầu có dáng dấp một người bạn đồng hành của chứng khoán. Sau nhiều tháng bất động, các phân khúc nhà đất đã có đôi chút triển vọng được cứu vãn tình thế tồn ứ bằng những giải pháp hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp tác động đến hoạt động kích cầu.
Vảo tháng 5/2012, nhiều khả năng cả chứng khoán lẫn bất động sản đều được hưởng lợi từ chính sách chung của nền kinh tế. "Kích cầu hay là chết!" là một giải pháp duy nhất mà có thể kéo các doanh nghiệp khỏi đống bùn tồn kho với tỷ lệ đến 60-70%, cũng như làm giảm bớt số doanh nghiệp phải "hy sinh". Mà muốn làm được điều đó, Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng trong hệ thống lại phải giảm lãi suất một cách thực chất, đồng thời tăng lượng cung tiền cho vay một cách thực chất không kém. Đồng thời, Bộ Tài chính và Chính phủ nhiều khả năng sẽ giảm thuế, giãn thuế cho doanh nghiệp và do đó cũng dính dáng tới một bộ phận doanh nghiệp bất động sản và chứng khoán.
Độ trễ của cơ chế giảm lãi suất thường kéo dài từ 3-6 tháng. Với chứng khoán, thị trường này thậm chí còn khởi động trước cả khi chính sách nới lỏng tín dụng đầu tiên được ban hành. Vậy nên riêng với chứng khoán, độ trễ có thể nên được tính từ mốc thời điểm tháng 1/2012, thay cho tháng 4/2012 khi lãi suất huy động được giảm về 12%.
Nếu cách tính độ trễ như trên là hợp lý, vào tháng 6-7 tới đây, chúng ta sẽ biết được TTCK phục hồi theo cách như thế nào.
Việt Thắng
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM