Ồ ạt huy động vàng trước giờ cấm
Ba ngày sau khi Thông tư 11 có hiệu lực, theo khảo sát của PV tại các ngân hàng trước đây vốn rầm rộ thực hiện huy động, giao dịch vàng đều được công bố tạm dừng.
Tại NHTMCP Sài Gòn- SCB (phòng giao dịch Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội) một nhân viên tư vấn tỏ vẻ xuýt xoa tiếc cho vị khách đến muộn không kịp tham dự chương trình “Chuyển đổi hôm nay nhận ngay quà tặng”.
Theo lời nhân viên này, chương trình chỉ diễn ra nhanh trong vòng 1 tuần (từ 20 đến 28-4) và nhân viên của ngân hàng đã tận tình gọi điện đến từng khách hàng đề nghị tất toán trước hạn tài khoản tiền gửi bằng vàng và chuyển đổi sang tham gia dịch vụ giữ hộ tài sản của SCB.
Các kỳ hạn được đưa ra rất dài từ 12 - 18 tháng, và khách hàng nhận lợi tức theo thời hạn 1 - 18 tháng.
Đáng lưu ý, mức lợi tức SCB đưa ra cho việc giữ hộ 12 tháng là 3,95%/năm, cao nhất là 4,6%/năm cho khoản gửi trong vòng 18 tháng. “Vài ngày trước nghỉ lễ khách đến làm thủ tục rất đông, ngay tại phòng giao dịch này chúng tôi đã chuyển đổi một số lượng lớn” - nhân viên này cho hay.
Thấy khách ngỏ ý muốn gửi vàng lúc này, cô từ chối khéo: “Do chỉ thị từ cơ quan quản lý nên lúc này bên chúng tôi đang tạm ngừng không nhận gửi vàng”.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng vừa kịp tung ra thông báo triển khai “Dịch vụ giữ hộ Vàng” từ ngày mai 4-5. Theo đó, loại vàng nhận giữ hộ là vàng miếng SJC rồng vàng 99,99 với số lượng tối thiểu là 1 chỉ vàng.
Eximbank khẳng định sẽ miễn phí giữ hộ. Khách hàng không được hưởng lãi trong thời gian giữ hộ. Trang web NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ngày 4-5 vẫn đưa phần giới thiệu dịch vụ “Giữ vàng an toàn - Gia tăng lợi ích” dành cho tất cả khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế.
Tại sao việc huy động vàng trước 1-5 chỉ diễn ra ồ ạt tại khoảng hơn 10 ngân hàng (ACB, Eximbank, ĐôngaBank, Phương Đông, HSB, SCB..)?
Lý giải của lãnh đạo một ngân hàng: Có thể do ngân hàng đó mạnh về hoạt động kinh doanh vàng đã trót bán đi một số lượng lớn khi giá vàng tăng cao nay phải huy động và mua vào để bù đắp. Còn với một số ngân hàng yếu có thể rơi vào tình trạng “hụt” thanh khoản nên họ buộc phải dùng những chiêu thức này.
Bình mới, rượu cũ
Theo các chuyên gia, thực chất các hình thức “giữ hộ vàng” rồi có khuyến mãi hay quà tặng chỉ là sự “biến tướng” của dịch vụ huy động chứng chỉ bằng vàng trước đây hay chính xác là thay tên gọi mới còn “rượu vẫn cũ”.
Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN cho rằng nghịch lý ở chỗ, thay vì phải nộp một khoản tiền coi đây là phí giữ hộ thì người gửi vàng còn được hưởng lãi theo kỳ hạn gửi.
Ông Kiêm cũng lưu ý khi hình thức chuyển vàng thành tiền bị cấm, rất có thể các nhà băng sẽ biến báo hợp thức hóa số vàng đã huy động nhằm có thêm nguồn thu mà không hề vi phạm quy định. Do đó, NHNN cần hết sức sát sao theo dõi diễn biến này.
Tại Thông tư 11, NHNN đã yêu cầu các NHTM phải báo cáo tình hình huy động và cho vay vốn bằng vàng, đồng thời đề xuất với Thống đốc NHNN phương án xử lý các khó khăn nhằm chấm dứt việc huy động và cho vay vốn vàng này.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cũng cho biết báo cáo của các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh tỉnh thành phố, việc huy động vốn bằng vàng tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là TPHCM chiếm 75,85% tổng huy động vốn bằng vàng của cả nước và Hà Nội chiếm 11,67%.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi VND giảm về 12%/năm không hấp dẫn người gửi cộng với giá vàng đang “tuột dốc”, nên người dân rút tiền tiết kiệm sang mua vàng khiến việc huy động tiền mặt của các ngân hàng thêm khó khăn.
Dù bị cấm huy động vàng từ 1- 5, nhưng theo phỏng đoán của giới chuyên môn, cuộc đua lãi suất huy động vàng sẽ tiếp tục “sóng ngầm”.
Trả lời về vấn đề này, một đại diện NHNN khẳng định: “Việc quản lý vàng đã sang một giai đoạn mới. Các ngân hàng giữ hộ vàng thì được nhưng phải thu phí”.
Liên quan việc biến tướng và lách luật để huy động vàng, vị đại diện này cho biết NHNN sẽ sớm có chỉ thị chấn chỉnh hoạt động giữ hộ vàng. Theo đó, sẽ thực hiện thanh kiểm tra quyết liệt việc thực thi này và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.