Chính sách mới >> Tài chính 09/06/2012 15:48 PM

09/06/2012 15:48 PM

Trong thời gian qua, tình hình các doanh nghiệp ngày càng kiệt quệ thì lãi suất luôn là tâm điểm của thị trường.

 Chính vì vậy, việc giảm mạnh thêm 2% lãi suất được các chuyên gia cho rằng là hợp lý và sẽ không tạo ra cú sốc cho thị trường bởi thực tế cho thấy lãi suất liên ngân hàng đã ở mức rất thấp trong 3 tuần vừa qua.

Người gửi "chạy đua" lãi suất

Trái ngược với dự đoán của nhiều người cho rằng lãi suất giảm sẽ khó thu hút tiền gửi của người dân, nhưng trên thực tế lại khác. Ngay sau khi có thông tin trần lãi suất huy động sẽ về mức 9% từ ngày 11/6, nhiều người dân đã tranh thủ đến ngân hàng đáo hạn sổ tiết kiệm hoặc gửi những khoản mới với các kỳ hạn dài hơn như 3 tháng, thậm chí là 6 tháng.

Tại các phòng giao dịch của các ngân hàng VietinBank, Maritime Bank, TienPhongBank... tại Hà Nội trong ngày 8/6 khá tấp nập khách hàng tìm đến gửi tiền trước khi lãi suất hạ. Một số khách hàng mới gửi được 1 tuần của kỳ hạn 1 tháng cũng vội vã rút ngay để gửi thành kỳ hạn dài.

Chị Nguyễn Thị Nam (Quán Thánh–Hà Nội) cho biết, chị tranh thủ tới đáo hạn sổ tiết kiệm cũ và chuyển gửi sổ mới với kỳ hạn 6 tháng. "Chính sách thay đổi liên tục nên tôi chọn gửi 6 tháng cho chắc ăn, vì tiền nhà tôi cũng là tiền nhàn rỗi chưa biết sử dụng vào việc gì, với lại gửi lúc này sẽ được lãi suất cao hơn" chị Nam nói.

Anh Ngân, nhân viên phòng giao dịch của một ngân hàng tại Nguyễn Lương Bằng cho biết: "Suốt mấy ngày nay, mỗi ngày có hàng chục cuộc gọi cho tôi chỉ để hỏi lãi suất tiền gửi là bao nhiêu. Khách hàng tự tìm đến nhiều, không như đầu năm nay tiền khan hiếm, cứ phải đi chào mời, phải khoán định mức huy động cho tất cả nhân viên hay phải khuyến mãi, tặng quà... Nay thì điều này đã thay đổi."

Mặc dù chưa đến thời hạn lãi suất giảm xuống nhưng một số ngân hàng thương mại lớn đã "bắt mạch sớm" giảm ngay các mức lãi suất xuống như Vietcombank giảm xuống còn 10,5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, tương tự ACB là 10,8%/năm. Đặc biệt, theo biểu lãi suất niêm yết của Ngân hàng Quân đội (MB) từ ngày 8/6, lãi suất huy động VND đã rút hẳn xuống tối đa còn 9%/năm, kéo thẳng từ kỳ hạn 1 tháng đến 60 tháng; lãi suất các kỳ hạn theo tuần cũng chỉ còn 1%/năm.

Nghich lý nội, ngoại

Tuy nhiên, trái ngược với những ngân hàng chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước thì vẫn còn một vài ngân hàng thương mại lại tranh thủ thu hút tiền về bằng cách "ngầm" đưa ra mức lãi suất cao hơn. Cho đến thời điểm hiện tại, có ngân hàng vẫn đang huy động tiền gửi vượt trần ở mức 14,5% cho thời hạn 1-3 tháng, 13,5% cho thời hạn 6-9 tháng và 13% cho thời hạn 1 năm.

Các thông tin về lãi suất của các ngân hàng cũng được người gửi tiền chia sẻ với nhau rất nhanh. Không phải cứ cùng một ngân hàng thì sẽ có lãi suất giống nhau mà còn tùy thuộc vào từng chi nhánh, từng phòng giao dịch. Giữa các phòng giao dịch của một ngân hàng nhưng lãi suất cũng khác nhau, vì vậy thông tin về nơi nào có lãi suất cao luôn được mọi người quan tâm dò hỏi.

Một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, hiện tượng trên không phải là do ngân hàng đó thiếu thanh khoản mà là do những ngân hàng này sợ bị mất khách hàng, mất thị phần nên phải cố kéo bằng được khách hàng về phía mình.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, các ngân hàng trong nước làm vậy thì chỉ thiệt cho chính mình mà lại làm lợi cho các ngân hàng nước ngoài. Điều này tưởng vô lý nhưng lại đang diễn ra một cách công khai.

Ông phân tích, các ngân hàng trong nước "thi nhau" huy động lãi suất cao, trong khi đó nguồn vốn lại đang bị ứ đọng chưa thể lưu thông được. Chính vì vậy, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã ở mức rất thấp trong 3 tuần vừa qua, trong đó lãi suất qua đêm ở mức 1-1,5%, 1 tuần (2-2,5%) và 1 tháng (4-4,5%), thậm chí có hôm chỉ còn 0,5%.

"Các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã tranh thủ thời cơ này giảm mạnh các mức lãi suất huy động và cho vay. Gần như thời điểm này họ không cần huy động trên thị trường dân cư mà lại đi vay trên thị trường liên ngân hàng với mức lãi suất thấp về cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay với mức 12-14%/năm, tính ra họ lại còn lãi nhiều hơn là huy động từ dân cư rồi cho vay ra," chuyên gia này cho biết.

Kỳ vọng
kích thích kinh tế

Việc Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm mạnh các mức lãi suất chủ chốt đã được các chuyên gia ví như "một mũi tên trúng nhiều đích".

Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, cái đích của việc giảm lãi suất tiền gửi là để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tiếp cận được nguồn vốn.

"Việc giảm lãi suất nhanh là nguyện vọng chung của tất cả các doanh nghiệp. Bởi khi nền kinh tế khó khăn, vấn đề cần tháo gỡ là làm thế nào để hạ lãi suất cho vay xuống, giúp cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp giảm theo," ông Kiêm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Kiêm cho rằng, vấn đề hiện nay là làm thế nào để nợ xấu phải có “lối ra”. "Những ngân hàng yếu kém hiện nay phải được giải quyết triệt để, bởi ngân hàng yếu còn nằm đó, nó có thể tự ý dâng lãi suất cao lên làm rối loạn thị trường," ông Kiêm nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, phó giáo sưTrần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, việc giảm mạnh lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý.

Ông Ngân lý giải, Viêt Nam là một trong những nước có lãi suất thực cao nhất trên thế giới hiện nay. Lạm phát kỳ vọng vào khoảng 7%, trong khi đó trước kia lãi suất tiền gửi là 11%, lãi suất thực của Việt Nam lên đến 4%. Trong khi các nước khác lãi suất thực phần lớn là âm hoặc gần bằng không.

"Việc kích cầu và giảm lãi suất mạnh là đúng, nhưng cần phải chú ý dòng tiền kích cầu đi vào dự án nào, có thực sự giúp doanh nghiệp được không, và có thực sự tăng sức mua của người dân hay không. Nếu kích cầu mà phần lớn dòng tiến tiếp tục vào những dự án kém hiệu quả như năm 2009, thì khả năng lạm phát quay lại trong trung hạn là có," ông Ngân nói./.

Theo Minh Thúy
Vietnam+

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,559

Chính sách mới

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]