Để thực hiện Đề án Tái cấu trúc ngành ngân hàng cần qua 3 bước. Bước thứ nhất là tái cơ cấu thanh khoản của các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng yếu kém thông qua hình thức hợp nhất, sáp nhập. Vấn đề này, xem ra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện gần đến giai đoạn cuối. Song còn nhiều yếu tố không minh bạch từ các ngân hàng đã làm cho NHNN khó phát hiện được sức khỏe thực sự của các nhà băng. Vì thực tế lãi suất trên thị trường đang giảm mạnh thời gian gần đây. Trong đó, phải kể đến là các kỳ hạn ngắn ngày, lãi suất chỉ còn 2 - 3%/năm. Thế nhưng, thị trường vẫn tồn tại tình trạng một số ngân hàng thỏa thuận lãi suất tiết kiệm, với mức lãi suất lên đến 15 - 16%/năm. Qua đó cho thấy, các ngân hàng này do không có tài sản thế chấp để vay vốn trên thị trường liên ngân hàng nên đã đẩy mạnh huy động vốn ở thị trường một, đảm bảo thanh khoản tốt hơn.
Vậy bước tiếp theo để thực hiện đề án nói trên sẽ như thế nào, thưa ông?
Bước thứ hai trong tiến trình thực hiện đề án tái cấu trúc ngân hàng là xử lý nợ xấu và NHNN đã bật đèn xanh bằng cách, cho các ngân hàng gia hạn nợ đối với doanh nghiệp. Đồng thời, mới đây NHNN đã cho phép các ngân hàng trong nhóm “G 14” mua bán nợ dưới dạng cho doanh nghiệp vay và nợ của các tổ chức tín dụng vay lẫn nhau. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng vẫn chưa có gì tiến triển. Sau khi giải quyết xong vấn đề nợ xấu, NHNN sẽ tiến hành tái cấu trúc về tổ chức hoạt động, tái cơ cấu chiến lược, thiết kế lại hệ thống quản trị rủi ro ngân hàng.
Theo ông, phải mất bao lâu mới có thể hoàn tất được Đề án?
Khả năng phải mất 4 năm mới có thể hoàn tất được Đề án, vì có thể phải thuê các chuyên gia nước ngoài để thiết kế hệ thống quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng. Hiện việc thực hiện đề án chỉ mới ở giai đoạn đầu nên còn phải mất nhiều thời gian. Trong tháng 5 này, NHNN sẽ xử lý xong 9 ngân hàng yếu kém trong danh sách kiểm soát đặc biệt bằng hình thức sáp nhập, hợp nhất… Do đó, sắp tới nếu các ngân hàng nhỏ, yếu kém không sáp nhập vào một nhà băng lớn, chắc chắn khó tránh được việc sẽ bị “gom” vào với nhau và việc làm này đã được thực hiện thời gian qua.
Cách phân loại sức khỏe của các ngân hàng thương mại dựa trên các chỉ tiêu của NHNN để cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hiện nay liệu có ổn, thưa ông?
Theo tôi, việc phân loại ngân hàng hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời. Còn với NHNN, hiện cũng có một bảng phân loại rất rõ ràng. Trong việc phân loại sức khỏe của các ngân hàng thương mại vừa qua, NHNN cũng đã dựa vào các tiêu chí gồm: tổng tài sản; chất lượng tài sản “có”, trong đó chú ý đến chất lượng nợ xấu; thanh khoản của các ngân hàng; tỷ lệ huy động vốn trên cho vay; tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn, dài hạn; khả năng sinh lời ROA, ROE; độ nhạy của các ngân hàng thương mại trước biến chuyển của thị trường và diễn biến lãi suất… Tôi cho rằng, các phân loại dựa trên các tiêu chí này cũng tương đối chuẩn. Nhưng việc phân loại chỉ mang tính chất tạm thời để phân bổ chỉ tiêu tín dụng.
Theo Vân Linh
Đầu tư