Chính sách mới >> Tài chính 28/05/2012 17:29 PM

28/05/2012 17:29 PM

Công khai và minh bạch về nợ xấu không chỉ là cần thiết khi thực hiện tái cấu trúc mà nó là điều luôn đòi hỏi trong hoạt động của hệ thống tài chính ngân hàng.

Theo ước tính của IMF, chi phí cho việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng khoảng 5% GDP, tức gần 5 - 6 tỷ USD. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, các nguồn lực trong nước hoàn toàn có thể “gánh vác” được số tiền này, xong điều quan trọng là số nợ xấu của các ngân hàng phải được công khai và minh bạch. 

Theo ông nguồn nội lực hiện nay của Việt Nam có đủ sức để thực hiện việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hay không?

Học tập kinh nghiệm thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của các nước trên thế giới và trong khu vực là điều cần thiết, tuy nhiên khi áp dụng nó sẽ phụ thuộc vào tình hình và điều kiện cụ thể của từng quốc gia đó.

Năm 2000 Việt Nam cũng thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng và đã rất thành công mà không cần sử dụng nhiều nguồn ngoại lực từ bên ngoài. Mặc dù, trước đó đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần phải có sự tham gia giúp đỡ của các tổ chức tài chính quốc tế như: IMF, WB...

Hiện nay cũng thế, Việt Nam có thể thực hiện việc tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn vốn từ bên ngoài. Tôi cho rằng, nội lực của chúng ta hoàn toàn thực hiện được điều đó. Điều quan trọng là lựa chọn bước đi và cách thức như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất mà thôi. 


Nhiều người cho rằng, nợ xấu đang là nút thắt của việc tái cấu trúc. Vậy ông đánh giá như thế nào về tình hình nợ xấu của các ngân hàng hiện nay?

Nợ xấu của Việt Nam hiện nay bị đánh giá là cao. Nhưng tôi cho rằng, khi nhìn sang những nước xung quanh khi mà khủng hoảng kinh tế xảy ra thì hầu hết các nước này cũng gặp tình trạng tương tự.

Chẳng hạn, Đài Loan đầu năm 2000 tỷ lệ nợ xấu cũng hơn 10%, Nhật Bản những năm 90 cũng cao hơn 10%, thậm chí một số ngân hàng yếu kém của các nước ngày tỷ lệ này còn lên đến 17 – 18%. 

Ngay cả ở Việt Nam những năm 2000 tỷ lệ nợ xấu trung bình cũng vào khoảng 15 – 20%, nhiều ngân hàng tỷ lệ nợ xấu lên đến 30%... nhưng rõ ràng là chúng ta đã giải quyết được việc đó và thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thành công.

Nếu nợ xấu không phải là điều đáng lo ngại nhất, thì ông có cho rằng phải công khai và minh bạch về số liệu nợ xấu mới là vấn đề cần phải bàn không?

Đúng thế. Công khai và minh bạch về nợ xấu không chỉ là cần thiết khi thực hiện tái cấu trúc mà nó là điều luôn đòi hỏi trong hoạt động của hệ thống tài chính ngân hàng. 
Chính vì thế việc thực hiện tái cấu trúc tới đây, một trong những nội dung phải thực hiện được đó là tính minh bạch của thông tin, những chuẩn mực về an toàn tài chính phải được đảm bảo và công bố thường xuyên. 

Các cơ quan quản lý, cơ quan giám sát phải được tiếp cần với các thông tin đó một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời. Từ đó, tính an toàn hệ thống mới được củng cố và duy trì.

Một số thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng đã và đang được tiến hành, theo ông điều đó có giúp cho hệ thống ngân hàng trở nên khỏe mạnh hơn không?
Mua bán sáp nhập (M&A) là một trong các phương thức của việc tái cấu trúc. Tuy nhiên, phương thức đó có được đánh giá là tốt, là hiệu quả đối với từng tổ chức hay cả hệ thống thì nó lại phụ thuộc phần lớn vào đơn vị thực hiện việc đó.

Nếu một ngân hàng khỏe về tài chính, tốt về quản trị khi M&A với một ngân hàng yếu; giúp ngân hàng yếu tái cơ cấu lại và hoạt động hiệu quả thì đó là điều rất tốt và không ai có thể phủ nhận.

Hoặc hai ngân hàng có hai sở trường khác nhau và khi sáp nhập sẽ giúp họ phát huy các lợi thế riêng có để trở thành một định chế mạnh hơn cũng là việc nên cổ vũ.

Tuy nhiên, nếu hai ngân hàng đều yếu kém và không có lợi thế riêng mà lại hợp nhất thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì, mà trái lại đó còn là bước lùi của việc tái cấu trúc.
Xin cảm ơn ông!
Khánh Linh (thực hiện)

Theo TTVN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,714

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]