Chính sách mới >> Tài chính 07/06/2024 16:31 PM

Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
07/06/2024 16:31 PM

Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định tại Nghị định 44/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/6/2024.

Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ mới nhất năm 2024

Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ mới nhất năm 2024 (Hình từ Internet)

Khái niệm tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Khoản 1 Điều 3 Nghị định 44/2024/NĐ-CP quy định tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và vùng đất gắn với công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (nếu có), gồm:

- Đường và các công trình phụ trợ gắn liền với đường.

- Cầu đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với cầu đường bộ.

- Hầm đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với hầm đường bộ.

- Bến phà đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với bến phà đường bộ; cầu phao và công trình phụ trợ gắn liền với cầu phao.

- Trạm kiểm tra tải trọng xe.

- Trạm thu phí đường bộ.

- Bến xe.

- Bãi đỗ xe.

- Nhà hạt quản lý đường bộ.

- Trạm dừng nghỉ.

- Kho bảo quản vật tư dự phòng.

- Trung tâm quản lý và giám sát giao thông (Trung tâm ITS)/Trung tâm quản lý, điều hành giao thông.

- Phần đất hành lang an toàn đường bộ đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng.

- Trung tâm cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ.

- Hệ thống công nghệ thông tin, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý tài sản, điều hành giao thông đường bộ.

- Các công trình, thiết bị khác của đường bộ theo quy định của pháp luật giao thông đường bộ.

Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Căn cứ khoản 3, 4 Điều 24 Nghị định 44/2024/NĐ-CP, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thanh lý theo hình thức phá dỡ, hủy bỏ theo trình tự, thủ tục sau:

- Cơ quan quản lý tài sản lập hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 44/2024/NĐ-CP. Hồ sơ đề nghị gồm:

+ Văn bản của cơ quan quản lý tài sản về việc đề nghị thanh lý tài sản: 01 bản chính;

+ Văn bản của cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan quản lý tài sản (nếu có) về việc đề nghị thanh lý tài sản: 01 bản chính;

+ Danh mục tài sản đề nghị thanh lý theo Mẫu số 01C tại Phụ lục kèm theo Nghị định 44/2024/NĐ-CP: 01 bản chính;

+ Các hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 24 Nghị định 44/2024/NĐ-CP, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 44/2024/NĐ-CP xem xét, quyết định thanh lý tài sản hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị thanh lý tài sản chưa phù hợp.

- Nội dung chủ yếu của Quyết định thanh lý tài sản gồm: Tên cơ quan quản lý tài sản có tài sản thanh lý; danh mục tài sản thanh lý (tên tài sản; địa chỉ; loại/cấp/hạng; năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (số lượng/chiều dài/diện tích...); nguyên giá, giá trị còn lại (nếu có); tình trạng sử dụng của tài sản); lý do thanh lý; hình thức thanh lý; trách nhiệm tổ chức thực hiện.

- Căn cứ Quyết định thanh lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan quản lý tài sản tổ chức thực hiện việc phá dỡ, hủy bỏ công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và xử lý vật liệu, vật tư thu hồi. Việc xử lý vật liệu, vật tư thu hồi được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 24 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.

Các trường hợp thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 44/2024/NĐ-CP, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thanh lý trong các trường hợp sau:

- Tài sản bị hư hỏng không thể sử dụng hoặc việc sửa chữa để tiếp tục sử dụng không có hiệu quả.

- Phá dỡ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũ để đầu tư xây dựng tài sản mới hoặc để bảo đảm giao thông, hoàn trả mặt bằng theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Khoản 2 Điều 24 Nghị định 44/2024/NĐ-CP quy định thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau:

- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thanh lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do cơ quan quản lý tài sản ở trung ương quản lý.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc ban hành Quy định thẩm quyền quyết định thanh lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do cơ quan quản lý tài sản ở địa phương quản lý.

Trần Trọng Tín

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,049

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]