Hội nghị cũng đã tổng kết năm năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - phó trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng - cùng chủ trì hội nghị quan trọng này.
Đề xuất thành lập ủy ban chuyên trách phòng chống tham nhũng
"Hội nghị trung ương 4 mới đây đã ra nghị quyết một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Trong đó vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Chúng ta đều hiểu rằng để thực hiện được vấn đề cấp bách này thì không thể không đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng" Thường trực Ban Bí thư |
Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại hội nghị là về mô hình Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng) cho biết Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đề nghị Ban Chấp hành trung ương cho ý kiến về việc lựa chọn mô hình phù hợp trong số sáu mô hình sau: Thứ nhất, giữ mô hình như hiện nay, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, song cần hoàn thiện thêm về cơ chế hoạt động và bổ sung một số thành viên (cả chuyên trách và kiêm nhiệm). Thứ hai, ban chỉ đạo do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo để bảo đảm thuận lợi trong việc chỉ đạo các cơ quan tư pháp đối với việc xử lý các vụ án tham nhũng và xử lý cán bộ, đảng viên. Thứ ba, ban chỉ đạo do Chủ tịch nước trực tiếp chỉ đạo. Thứ tư, ban chỉ đạo do Quốc hội trực tiếp chỉ đạo. Thứ năm, hợp nhất với Ủy ban Kiểm tra trung ương. Thứ sáu, chuyển ban chỉ đạo thành Ủy ban phòng chống tham nhũng trung ương với việc quy định rõ chức năng, nhiệm vụ theo hướng tăng thẩm quyền cho ủy ban này.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nêu kiến nghị: “Từ thực tế tình hình, chúng tôi thấy cần thành lập ủy ban chuyên trách về công tác phòng chống tham nhũng. Ban chỉ đạo hiện nay kiêm nhiệm quá nhiều, như Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ và các thành viên đều hoạt động kiêm nhiệm. Văn phòng Ban chỉ đạo đã được tăng cường, củng cố nhưng mảng công việc này đòi hỏi áp dụng các biện pháp đấu tranh đảm bảo theo đúng quy định pháp luật và cũng đảm bảo kiên quyết”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu thống nhất với kiến nghị của TP.HCM. Theo đại diện tỉnh Quảng Ngãi, về lâu dài tán thành với phương án chuyển ban chỉ đạo thành Ủy ban phòng chống tham nhũng trung ương, tuy nhiên trước mắt có thể giữ nguyên như hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã nhận được nhiều ý kiến phong phú xung quanh vấn đề tổ chức Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng sao cho có hiệu quả. Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng nên giữ như hiện nay, cả ban chỉ đạo ở trung ương cũng như địa phương vì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không có gì cản trở.
“Trong số 22 thành viên Chính phủ chúng tôi lấy phiếu có 16 ý kiến đồng ý giữ như hiện nay, sáu ý kiến không đồng ý” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Bên cạnh nhóm ý kiến này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập đến một số nhóm ý kiến khác như: ở trung ương giữ mô hình ban chỉ đạo như hiện nay, nhưng ở địa phương thì trưởng ban chỉ đạo là chủ tịch HĐND; giữ ban chỉ đạo nhưng có thay đổi người đứng đầu cho phù hợp...
Liên quan đề xuất lập ủy ban phòng chống tham nhũng độc lập, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Ý kiến chung là dù giữ mô hình như hiện nay hoặc thay đổi cũng phải thực hiện mấy việc: không thể làm thay và không được quyền làm thay cấp ủy Đảng trong công tác cán bộ và xử lý cán bộ; không thể làm thay cấp ủy Đảng trong việc lãnh đạo huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng chống tham nhũng; không thể làm thay chức năng của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan điều tra, truy tố, xét xử”.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Cũng có ý kiến cho rằng nếu giao cho ủy ban độc lập có đủ thẩm quyền thì cũng không khả thi. Không thể độc lập đứng ngoài bộ máy nhà nước hiện nay và càng không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ tập hợp các ý kiến thảo luận, cố gắng phân tích như thế nào là phù hợp để trình bày với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương cho ý kiến.
Nhiều địa phương không phát hiện tham nhũng
Tại hội nghị, dự thảo báo cáo sơ kết năm năm thực hiện nghị quyết trung ương 3 (khóa X) do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày cho biết công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Trong năm năm qua, nhiều địa phương không phát hiện vụ án tham nhũng nào.
Việc kê khai tài sản, thu nhập tuy đã được thực hiện ở nhiều nơi nhưng tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn rất hạn chế, hiệu quả thấp. Một nguyên nhân quan trọng là do Nhà nước chưa kiểm soát được tài sản trong xã hội, nhất là bất động sản và những tài sản có giá trị lớn.
Ông Phạm Hữu Bồng, phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, phản ảnh dư luận bất bình về việc vừa qua có trường hợp một bí thư tỉnh ủy có vi phạm thì được về hưu, trong khi người chống tiêu cực, tham nhũng lại gặp nhiều khó khăn. Do vậy cần ban hành các cơ chế, chính sách để bảo vệ người chống tham nhũng. Đồng thời ông Bồng đề nghị cần loại bỏ ngay các quy định mang tính đặc quyền đặc lợi, ví dụ trong lĩnh vực nhà đất.
Đại biểu đại diện tỉnh Quảng Ngãi nói trong một bộ phận đảng viên và nhân dân vẫn còn tâm lý chấp nhận quà biếu, đút lót, xin cho, “có những đồng đội trong chiến tranh của tôi nay đến nhờ tôi xin việc cho con em họ kèm theo một câu là: cố gắng giải quyết công việc cho cháu, tốn hết bao nhiêu tao lo”.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói các giải pháp phòng chống tham nhũng phải được thực hiện đồng bộ, tập trung vào một số giải pháp quan trọng như: nâng cao hơn nữa quyết tâm, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo Thủ tướng, cần tập trung chỉ đạo để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong quản lý kinh tế - xã hội, khắc phục cơ chế “xin cho” trong quản lý kinh tế - xã hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: cần bịt kín những sơ hở có thể tạo điều kiện cho tham nhũng, lãng phí, loại bỏ cơ chế tạo ra đặc quyền đặc lợi.
Một giải pháp quan trọng được Thủ tướng Chính phủ đề cập là phát huy hơn nữa vai trò, hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cũng như của xã hội đối với bộ máy công quyền, nhất là đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.
VÕ VĂN THÀNH