Kiện trốn đóng BHXH như “kiến kiện củ khoai”

16/06/2014 08:26 AM

Tình trạng trốn đóng BHXH gây thiệt hại quyền lợi cho CNLĐ đến nay có thể nói đã trở thành “đại dịch”, vì hầu hết các tỉnh, thành đều xảy ra với số tiền lên tới gần 10.000 tỉ đồng. Nhưng đáng quan ngại nhất, giải pháp được xem là cứu cánh hiện nay là kiện DN trốn đóng BHXH, đã không hiệu quả. Chính vì thế, nhiều cán bộ ngành BHXH đã than thở: Kiện trốn đóng BHXH như “kiến kiện củ khoai”.

Thi hành án cao nhất chỉ 10%

Ông Nguyễn Hùng Oanh - Giám đốc BHXH Q.Gò Vấp, TPHCM - cho biết, hiện BHXH quận đang quản lý 3.037 đơn vị và số DN trốn đóng từ 3 tháng trở lên là 851 (tương ứng trên 28%) với số tiền nợ là 37,4 tỉ đồng. BHXH quận Gò Vấp đã khởi kiện hàng chục DN, nhưng số tiền thu được qua các vụ kiện chỉ khoảng 10%. 

Tình trạng này cũng tương tự ở khắp các quận, huyện của TPHCM. Theo báo cáo của phòng Thu, BHXH TPHCM, đến 31.5.2014, chỉ riêng khối DN có đến 15.120 đơn vị trốn đóng, xấp xỉ 1.366 tỉ đồng. Toàn TPHCM đã khởi kiện 1.451 DN, với tiền trốn đóng là 444,6 tỉ đồng. Số vụ kiện đã được các TAND xét xử và có bản án là 382 DN (bằng 26,3% số vụ khởi kiện), với số tiền nợ theo đơn khởi kiện là 162,67 tỉ đồng. Số tiền thu hồi được khi có bản án 48,86 tỉ đồng, so với tổng số tiền các DN trốn đóng (1.366 tỉ đồng) thì qua các vụ kiện, BHXH mới chỉ thu hồi được gần 3,6%. Điều này đồng nghĩa hàng trăm ngàn CNLĐ có nguy cơ bị mất trắng quyền lợi về BHXH. 

Còn ông Bùi Huy Phong - Giám đốc BHXH Bình Dương - cho biết, tổng số DN trốn đóng từ 3 tháng trở lên là 906 với số tiền 288,6 tỉ đồng. BHXH tỉnh đã khởi kiện 114 DN trốn đóng trên 49 tỉ đồng. Số vụ án đã được thi hành án là 57, với số tiền thu được là 12,3 tỉ đồng, tương đương 4,2% tổng số tiền các DN trốn đóng. 

Cần có quy trình xét xử đặc biệt

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó phòng thu BHXH TPHCM, khi BHXH khởi kiện thì mất rất nhiều thời gian. Có những vụ hơn 1 năm sau khi khởi kiện TAND mới xét xử, DN chưa thanh toán số tiền trốn đóng cũ thì đã phát sinh số tiền trốn đóng mới. Chưa kể, với thời gian kéo dài như thế, DN đã kịp thời chuyển trụ sở đi nơi khác mà không thông báo với cơ quan chức năng. 

Điển hình như Cty TNHH Thang máy Nam Trí. Trước đây, Cty này đóng trụ sở ở Q.6, TPHCM. BHXH Q.6 đã 2 lần khởi kiện Cty Nam Trí. Tuy nhiên, sau đó Cty đột nhiên “mất tích”, khiến vụ việc rơi vào bế tắc. Truy tìm mãi mới biết Cty Nam Trí đã chuyển về Q.Bình Tân. Tháng 12.2013, BHXH Q.6 phải khởi kiện Cty Nam Trí lần 3, để đòi số tiền trốn đóng BHXH lúc này đã lên tới 663 triệu đồng (và đến tháng 5.2014 số tiền này đã tăng lên là 713 triệu đồng). Một cán bộ BHXH TPHCM than thở: “Với nhiều DN, khi TAND xét xử thì DN đã “cạn kiệt”, không còn khả năng để thanh toán. Chính vì thế, số tiền thu hồi được rất khiêm tốn!”.

Là người đã theo dõi kiện trốn đóng BHXH từ những vụ việc đầu tiên, ông Nguyễn Hùng Oanh - Giám đốc BHXH Q.Gò Vấp, TPHCM - nhận xét: Kiện đã khổ nhưng thi để thi hành án được còn khổ hơn. Theo ông Oanh, việc cán bộ BHXH đi xác minh điều kiện thi hành án gặp rất nhiều khó khăn. Thường thì DN trốn đóng BHXH không hợp tác, cố tình tránh né, cung cấp số tài khoản sai hoặc rỗng. Thậm chí có trường hợp cán bộ BHXH xác minh thấy tài khoản DN trốn đóng BHXH đủ khả năng thanh toán tiền theo bản án. Nhưng khi chấp hành viên đến xác minh lại thì DN đã kịp rút hết tiền. 

Đến lúc này, cơ quan thi hành án trả hồ sơ cho BHXH với lý do DN không đủ khả năng để thực hiện bản án. Đó là chưa kể nhiều trường hợp DN không tiếp cán bộ của BHXH, không cung cấp hồ sơ theo yêu cầu, không cung cấp số tài khoản đang giao dịch thì cũng đành chịu, vì cán bộ BHXH không có quyền buộc DN phải thực hiện các yêu cầu trên. Chưa hết, nhiều DN trông thì “hoành tráng”, nhưng lại “rỗng ruột”, vì hầu hết các tài sản như nhà xưởng, xe cộ, máy móc đều đã được thế chấp, cầm cố hoặc thuộc sở hữu của các Cty kinh doanh thuê, mua tài chính...

Chính vì thế, nhiều cán bộ ngành BHXH kiến nghị, trong lúc chưa sửa đổi Bộ luật Hình sự bổ sung tội danh trốn đóng BHXH, thì ngành TAND cần có quy trình xét xử đặc biệt những vụ trốn đóng BHXH. Đồng thời khi có bản án, việc thi hành án cần được tạo điều kiện thuận lợi nhằm tránh trường hợp DN tẩu tán tài sản, nhanh chóng cưỡng chế thi hành án. Có như thế, quyền lợi của CNLĐ mới được bảo đảm. 

Nam Dương – Đăng Hải

Theo Lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,765

BHXH,

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]