Máy bay đáp nhầm sân, có kiện được không?

24/06/2014 08:40 AM

TVPL - Một số ý kiến về các vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc máy bay "hạ cánh nhầm" xuống sân bay Cam Ranh của các Luật sư đang cộng tác với THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Luật sư Nguyễn Đức Chánh

Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh
91 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp.HCM

LS Nguyễn Đức Chánh có giải đáp một số câu hỏi liên quan như sau:

Việc VietJet Air chở khách đi Đà Lạt nhưng lại hạ cánh ở Cam Ranh thì hành khách có quyền khởi kiện không? 

Trả lời: Việc khách hàng mua vé máy bay và VietJet nhận vận chuyển hành khách từ Hà Nội đi Đà Lạt, thì các bên đã xác lập giao dịch dân sự. Đây là hợp đồng vận chuyển hành khách theo quy định tại Điều 527 Bộ luật Dân sự năm 2005.

“Điều 527. Hợp đồng vận chuyển hành khách

Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thoả thuận, còn hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.”

Theo khoản 1 và khoản 4 Điều 529 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về nghĩa vụ của Bên vận chuyển như sau:

Bên vận chuyển có các nghĩa vụ sau đây:

“1. Chuyên chở hành khách từ địa điểm xuất phát đến đúng địa điểm, đến đúng giờ, văn minh, lịch sự và bằng phương tiện đã thoả thuận một cách an toàn, theo lộ trình; bảo đảm đủ chỗ cho khách và không chuyên chở vượt quá trọng tải;

4. Chuyên chở hành lý và trả lại cho hành khách hoặc người có quyền nhận hành lý tại địa điểm thoả thuận theo đúng thời gian, lộ trình;”

Trong trường hợp này thay vì chở hành khách và hành lý đến Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng thì VietJet lại chở đến Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là việc vi phạm hợp đồng vận chuyển hành khách mà các bên đã giao kết.

Vì vậy, hành khách hoàn toàn có quyền khởi kiện VietJet tại Tòa án nơi có trụ sở của VietJet có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án về “tranh chấp dân sự hợp đồng vận chuyển hành khách”

Khách hàng được bồi thường những gì?

Theo khoản 3 Điều 532 Bộ luật dân sự quy định: Hành khách có quyền "Yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh hoặc bồi thường thiệt hại, nếu bên vận chuyển có lỗi trong việc không chuyên chở đúng thời gian, địa điểm đã thoả thuận".

Và khoản 3 Điều 533 Bộ luật Dân sự quy định về trách nhiệm bồi thường: “Trong trường hợp hành khách vi phạm điều kiện vận chuyển đã thoả thuận, các quy định của điều lệ vận chuyển mà gây thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc người thứ ba thì phải bồi thường.”

Như vậy, trong trường hợp này VietJet phải có trách nhiệm bồi thường. Còn mức cụ thể bao nhiêu là do hành khách phải chứng minh các thiệt hại và chi phí phát sinh trên thực tế. Chẳng hạn: Tiền di chuyển từ Cam Ranh đến Đà Lạt, …

VietJet Air và phi công, tiếp viên, mặt đất, tổ phục vụ…  có bị xử phạt không?

Hiện nay việc xử phạt trong lĩnh vực hành không dân sự căn cứ theo Nghị định số 147/2013/NĐ-CPngày 30-10-2013 của Chính phủ.

Việc xử phạt về hành vi gì, mức phạt bao nhiêu thì tùy trên cơ sở xác định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với vụ việc trên

-----------------


Luật sư Nguyễn Thạch Thảo

Trao đổi thêm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thạch Thảo cho biết: Theo qui đinh của điều 532 khoản 3 Luật dân sự thì hành khách có quyền yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh hoặc bồi thường thiệt hại, nếu bên vận chuyển có lỗi trong việc không chuyên chở đúng thời hạn, địa điểm đã thoả thuận;

Khởi kiện ở đâu?

Căn cứ điều 33 khoản 1, điểm b và điều 29 khoản 1, điểm k của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi năm 2011) thì thẩm quyền giải quyết vụ kiện sẽ thuộc Tòa án cấp quận nơi bị đơn có trụ sở trú đóng.

Điều 33. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

1. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 29 của Bộ luật này;

Điều 29. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án

1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm:

k) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển;

Như vậy căn cứ vào qui định trên, hành khách có quyền khởi kiện hãng hàng không Vietjet Air tại tòa án quận, huyện nơi hãng có trụ sở trú đóng.

* Thủ tục các hành khách cần chuẩn bị để khởi kiện gồm có:

- CMND + Hộ khẩu (của hành khách)

- Vé hoặc các giấy tờ xác nhận từ hãng bay về việc đáp nhầm chuyến bay có thể hiện tên tuổi của hành khách trên đó.

- Các thiệt hại phát sinh do biệt ảnh hưởng của việc đáp nhầm sân bay, cụ thể như thế nào liệt kê ra.

- Yêu cầu bồi thường cụ thể là bao nhiêu?

Bồi thường như thế nào?

Theo QĐ 10/2007/QĐ-BGTVT ngày 27-7-2007 của Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách đường hàng không đối với chuyến bay nội địa thì mỗi hành khách được bồi thường 300.000 VNĐ . Tuy nhiên, trong quyết định này chỉ điều chỉnh trong trường hợp hủy chuyến bay hoặc từ chối vận chuyển. Như vậy, đối với trường hợp đáp nhầm sân bay như trên thì hành khách có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại căn cứ trên trên những thiệt hại thực tế đã xảy ra .

           

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,661

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]