Bà Xinh hỏi, trường hợp của bà và các giáo viên nêu trên có thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp không?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An trả lời như sau:
Căn cứ Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu, Công văn số 4281/BHXH-CSXH ngày 29/10/2013 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg, theo đó đối tượng được hưởng trợ cấp là "nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng...".
Trường hợp bà Hồ Thị Xinh đã được nghỉ giảng dạy trước khi nghỉ hưu (nghỉ giảng dạy từ năm 2003, đến tháng 12/2006 nghỉ hưởng chế độ hưu trí) theo Quyết định số 109/2002/QĐ-UB ngày 4/12/2002 của UBND tỉnh Nghệ An (nghỉ việc do không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hưởng từ 80% đến 100% lương cơ bản, không có phụ cấp ưu đãi và được đóng bảo hiểm xã hội cho đủ tuổi nghỉ hưu), vì vậy bà Xinh không thuộc đối tượng hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg.
Tỉnh Nghệ An có đối tượng đặc thù là giáo viên được nghỉ việc theo Quyết định số 109/2002/QĐ-UB ngày 4/12/2002 và Quyết định số 86/2007/QĐ-UB ngày 20/7/2007 của UBND tỉnh Nghệ An về việc quy định đánh giá, xếp loại giáo viên và chính sách cho giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (được nghỉ việc hưởng 80%-100% lương cơ bản, không được hưởng các khoản phụ cấp và nâng lương, được tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu).
Đây là nội dung đang vướng mắc trong quá trình giải quyết chế độ đối với giáo viên đã nghỉ hưu theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg. Phản ánh vấn đề này, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 3207/UBND.VX ngày 16/5/2014 xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng đến nay chưa nhận được trả lời nên Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An chưa có cơ sở để giải quyết.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ