Mùa thu năm nay, sau những sự kiện lớn của
đất nước, có một sự kiện chỉ diễn ra trong một ngày tháng Tám, nhưng lại thu
hút rất nhiều mối quan tâm của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, cho dù
sự kiện này không phải lần đầu tiên. Bởi nó mang tới cho vận mệnh nước Việt
những thông điệp cần thiết trên hành trình phát triển và hội nhập, khi mà TPP
đang là cổng … vũ môn nay mai nước Việt phải vượt qua.
Thăng hoa hay ngủ đông?
Đó là Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015 do Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Đối ngoại của QH, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN đồng tổ chức cách đây không lâu.
Những hay dở của một nền kinh tế thị trường non trẻ, nhiều mò mẫm bởi nền tảng lý luận còn mỏng manh, một lần nữa đặt trên bàn diễn đàn, chịu sự bắt mạch và mổ xẻ của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế dày dạn, đầy trải nghiệm.
Không thể phủ nhận thành quả của 30 năm đổi mới, đem lại sức sống và vị thế đất nước trong quá trình tự thân vận động, hướng tới giao lưu thương mại và hội nhập hiện đại, nhưng những hoa trái mà kinh tế VN gieo trồng và gặt hái, quả thật còn… ương quá, so với kỳ vọng của cả dân tộc.
Tại Hội thảo kinh tế VN 2016-2020, do Ban kinh tế Trung ương tổ chức ngày 4/9 các nhà kinh tế đã đánh giá: VN vẫn là nền kinh tế khuyến khích nhập khẩu để gia công lắp ráp và mang tính đầu cơ. Vẫn mang đậm chất nền kinh tế tiểu nông, nhỏ bé, “đóng kín”, thiếu liên kết, chưa có tầm nhìn toàn cầu. Công nghiệp nội địa vẫn nặng về khai thác tài nguyên và gia công, lắp ráp. Chưa thoát được nền hành chính “hành hạ” doanh nghiệp. Điển hình là thuế. Thời gian nộp thuế của VN rất cao so với các nước trong ASEAN-6. Theo báo cáo Môi trường Kinh doanh 2014 của WB, mức bình quân của VN là 872 giờ/năm, trong khi của ASEAN-6 chỉ là 171 giờ/năm, Singapore thấp hơn nữa với mức 82 giờ/năm (theo Kinh tế và Dự báo- Bộ Kế hoạch & Đầu tư).
Còn báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nhưng quy mô kinh tế VN còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Theo đó, GDP của Indonesia gấp 4,8 lần GDP của VN, Thái Lan gấp 02 lần, Malaysia gấp 1,8 lần, Singapore gấp 1,7 lần và Philippines gấp 1,5 lần. Xét trên giác độ GDP/đầu người, VN đang đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia 25 năm; sau Thái Lan 20 năm, sau Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm.
GDP của Indonesia gấp 4,8 lần GDP của VN.
Phó GS, TS Trần Đình Thiên nhận xét thẳng thắn, VN đang tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực, với tốc độ tụt hậu khoảng cách ngày càng xa. Đẳng cấp phát triển của VN đang rất thấp.
Đẳng cấp- chỉ có hai chữ thôi nhưng là sự đeo đuổi cả đời, là khát vọng của nhiều quốc gia.
Đó là một thực tế đáng suy nghĩ và cũng rất đáng buồn ơi…. chào mi.
Thế nên tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu năm nay, ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, trong nhiều nguyên nhân, tư duy và thể chế quản lý trì trệ vẫn là 02 vấn đề mang tính chất quyết định cốt lõi nhất. Kinh tế phát triển hay tụt hậu, đi nhanh hay… khập khiễng so với nhân loại phần lớn được quyết định ở tư duy và thể chế, mang tầm chiến lược và văn minh, hay ngược lại, ngắn hạn và xưa cũ.
Điều đó cũng phản chiếu một quy luật thực tiễn khắc nghiệt. Nhưng ở góc độ nào đó, sự khắc nghiệt mang ý nghĩa động lực tích cực. Mọi đổi mới, đến một giai đoạn nào đó, nếu tư duy và thể chế quản lý vẫn bất biến, không tương thích với đòi hỏi của thời cuộc, sẽ vô tình trở thành “vòng kim cô” cho nền kinh tế trên con đường … “thỉnh kinh” hội nhập. Đi ngược 30 năm trước đây thôi, nếu không có sự “lột xác” về tư duy và thể chế quản lý kinh tế thị trường, tháo tung tất cả những xơ cứng của tư duy và cơ chế quản lý cũ, làm sao đất nước có được những thay đổi diện mạo như hôm nay?
Rõ ràng, quy luật thực tiễn khắc nghiệt đó không cho phép bất cứ nhà nước nào, quốc gia nào thỏa mãn và hài lòng với chính mình. Rất có thể tư duy đó, thể chế quản lý đó- hôm qua hay nay đã lại dở rồi.
Và điều dởđó đang phản chiếu trong chính các doanh nghiệp, cánh quân chủ lực. Hãy nghe các chuyên gia nói về cánh quân chủ lực này ra sao?
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế TƯ (CIEM) Nguyễn Đình Cung, lâu nay nói hội nhập thì dư luận XH hay phê phán các DN không tích cực, nhưng thực chất, các DN như đang đi trên cái cầu khỉ, trên lưng bị đè nặng bởi khối đá- chi phí. Trong khi tư duy quản lý nhà nước vẫn đứng bề trên để quản lý DN, đặt ra bao nhiêu rào cản chứ không đồng hành với DN. Bộ máy của ta “nghiện” quản lý, “nghiện” ra lệnh, cơ cấu tổ chức không thay đổi nên năng lực quản lý khôngthay đổi. Không phải DN, mà chính là cơ chế quản lý đang cản trở hội nhập(VnEconomy, ngày 27/8).
Một nhận xét dễ “mất lòng” nhưng đó là… sự thật!
Cựu Bộ trưởng Thương mại (nay là Bộ Công thương) Trương Đình Tuyển, và chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược vô tình đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầukhi nhận xét rằng, hội nhập phải đi liền với đổi mới, nhưng đổi mới bên trong chậm quá. Nội dung cải cách phải tập trung vào cải cách thể chế. Kinh nghiệm thực tiễn của nhân loại cho thấy các quốc gia chỉ có thể giàu lên nếu có thể chế tốt. Trong chất lượng thể chế, thì mối quan hệ nhà nước và thị trường phải điều chỉnh lại. Phải chuyển đổi vai trò của nhà nước từ nhà nước chỉ huy sang nhà nước kiến tạo phát triển – như người đứng đầu CP đã từng phát biểu.
Rõ ràng, tư duy và thể chế quản lý đang có nguy cơ già lão- chân chậm mắt kém.Nhưng làm thế nào để từ nhà nước chỉ huy sang nhà nước kiến tạo phát triển? Cũng tức là thanh xuân hóa tư duy và năng lực hành động của nền quản trị quốc gia?
Trả lời được câu hỏi này, phải là những quan chức có trách nhiệm và hệ thống quản trị quốc gia phải vượt lên chính mình. Chính là tạo ra những điều kiện, tâm thế vượt “vũ môn” TPP một cách chủ động, không gì khác, phải nâng cao năng lực bộ máy nhà nước, đổi mới toàn bộ hệ thống luật lệ, tổ chức bộ máy, các nguyên tắc quản lý kinh tế, và không thể thiếu, là động lực làm việc, thực thi công vụ của công chức.
Các doanh nghiệp VN đang đối mặt thách thức hội nhập.
Quan trọng không kém là hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặt pháp luật “đúng ngôi”. Hình thành nên thế chân kiềng vững chãi: Kinh tế thị trường XHCN- nhà nước pháp quyền và xã hội công dân. Mới đây, trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam, ngày 10/9 về chủ đề hội nhập, Phó Chủ nhiệm UBKT của QH Nguyễn Đức Kiên đã khẳng định: Chúng ta chỉ có hai lựa chọn- mở cửa hay là chết!
Vậy đó, nước Việt, giữa thời hội nhập này, hoặc thăng hoa tạo nên một quốc gia có đẳng cấp, hay chấp nhận giấc… ngủ đông?
Còn mấy quăng dao?
Cùng với kinh tế, văn hóa phát triển là hai đảm bảo quan trọng của một quốc gia, góp phần cho quốc gia đó có thương hiệu, có đẳng cấp giữa nhân loại, cho dù bên cạnh đó còn rất nhiều thành tố khác quan trọng không kém luôn gắn bó với đời sống dân sinh XH.
Quan trọng đến mức có câu nói “văn hóa còn, đất nước còn”. Đó là nguyên lý chung của mọi quốc gia, chẳng cứ gì nước Việt.
Đẳng cấp, thương hiệu quốc gia không chỉ là sự phát triển kinh tế, mà còn là sự phát triển văn minh, với những giá trị văn hóa được sàng lọc qua thời gian.
Nhưng kinh tế và văn hóa cũng rất khác nhau.
Nếu như kinh tế là chăm bẵm cho thể chất con người, cho thể chất một quốc gia thông qua các giá trị sản phẩm, giá trị vật thể, thu nhập quân bình, mức sống quốc gia tạo nên thương hiệu phát triển; thì văn hóa là chăm bẵm cho tinh thần, khí phách, cốt cách, nhân cách và tâm hồn quốc gia đó thông qua những giá trị vật thể, phi vật thể mà con người tạo nên, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Sự chăm bẵm môi trường văn hóa- XH, cùng với những yếu tố GD trong nhà trường, tạo nên cốt cách, khí phách, nhân cách con người cá nhân cụ thể
Sự khác biệt, và cũng là yếu tố đặc sắc của văn hóa so với kinh tế còn là ở chỗ, cùng hai quốc gia có nền kinh tế, mức sống quân bình phát triển mạnh ngang nhau, nhưng quốc gia nào, có nền văn hóa, văn minh phát triển hơn thẩm thấu tận lối sống con người, quốc gia đó rõ ràng vẫn được coi là có cuộc sống chất lượng hơn, văn minh hơn.
Sự khác biệt, và yếu tố đặc thù của văn hóa so với kinh tế còn là ở chỗ này: Hiệu quả đầu tư kinh tế có thể nhìn thấy qua một thời gian nhất định. Nhưng hiệu quả đầu tư văn hóa là sự thẩm thấu mưa dầm thấm đất. Và nếu như kinh tế có thể định lượng bằng những số liệu, thì đánh giá văn hóa không chỉ định lượng, mà còn phải có định tính, quan sát, cảm nhận. Chưa kể tầm tư duy và chiến lược về văn hóa Việt ở thời kinh tế thị trường được thể hiện ra sao.
Cái khó của văn hóa là ở chỗ đó. Thậm chí khó hơn kinh tế rất nhiều, nhất là văn minh truyền thống của VN là văn minh làng xã, tư duy người Việt đậm chất tiểu nông, tư hữu.
Cũng chính vì thế, nếu 30 năm đổi mới kinh tế, những thành quả của kinh tế là khá rõ ràng, về diện mạo, chất lượng vật chất cuộc sống, sự phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, thì những thành quả của văn hóa qua 30 năm đổi mới lại rất…. khiêm tốn. Như mưa dầmmà không thấm đất.
Những thành quả của văn hóa qua 30 năm đổi mới lại rất…. khiêm tốn
Sự khiêm tốn đó còn đặt trong bối cảnh internet du nhập vào nước Việt. Internet là một bước tiến vĩ đại của lịch sử loài người. Nhờ sự phát triển của công nghệ này, mà sinh hoạt dân chủ như một làn gió mát lành đem đến cho mọi quốc gia. Nhưng với những nước đang phát triển như nước Việt, những thông tin về chính trị- kinh tế- văn hóa thế giới, cùng lối sống khác lạ, đa chiều tràn ngập đã là một sự thử thách vô cùng lớn với nền tảng văn hóa tiểu nông bắt đầu đổi mới còn quá đỗi mong manh.
Người viết tâm đắc với những nhận định của Gs. TSKH Trần Ngọc Thêm (ĐHQG T/P HCM) trong cuộc tọa đàm trực tuyến với Tuần Việt Nam (ngày 07/9) về sự gặt hái của văn hóa. Rõ nhất ở ba điểm.
Đó là sinh hoạt trong xã hội cởi mở. Đời sống tinh thần và nhu cầu tâm linh được “cởi trói”. Các lễ hội được khôi phục, đình chùa miếu mạo được sửa sang, tôn giáo được phát triển. Đó là đời sống tinh thần người dân được nâng lên, thông qua hàng loạt các phương tiện thông tin giải trí văn hóa. Những di sản, thành tựu văn hóa nghệ thuật nhân loại, các quốc gia có thể cập nhật đến tận…. giường ngủ. Đó là các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của VN đã được thế giới công nhận, tạo nên ấn tượng đẹp và mang lại niềm tự hào dân tộc.
Nhưng sự thách thức về văn hóa cũng liền kề, như mặt trái của tấm huân chương.
Vì sao, tính vô cảm của người Việt giờ đây cũng trở thành một hiện tượng nhức nhối?
Vì sao, thói giả dối- và ở các ngành thì còn mắc thêm bệnh thành tích trở thành căn bệnh nan y khó chữa của toàn XH? Kết quả điều tra của Gs Trần NgọcThêm và các cộng sự cho thấy, tật xấu giả dối nghiêm trọng nhất, chiếm 81%, tiếp đến là bệnh thành tích 75,1% (trong số 6000 người được khảo sát).
Vì sao tính vị kỷ của con người trầm trọng đến độ tạo nên những nhóm lợi ích, đặc quyền- đặc lợi ngăn cản sự phát triển của cả XH?
Vì sao thói xấu tham ô, hối lộ, tham nhũng- thực chất là lề thói “phản văn hóa” lại phổ biến và trầm trọng đến độ XH chua chát … tôn vinh lên thành “văn hóa”? “Văn hóa” phong bì, “văn hóa” tham nhũng, “văn hóa” chạy?
Vì sao, một bộ phận quan chức cho đến người dân ngang nhiên giẫm đạp lên pháp luật mà không xấu hổ? Con số này theo khảo sát của GS Trần Ngọc Thêm và cộng sự là 68,2%.
Vì sao những giá trị trắng- đen lại lộn sòng, khiến niềm tin của con người giờ đây có phần như như bóng chim tăm cá?
Người Việt sẽ bước vào hội nhập với nhân loại về văn hóa như thế nào, với những giá trị “phản văn hóa” như thế này?
Và giữa lúc đó, có một thông tin khiến XH ngỡ ngàng, thậm chí sửng sốt.
Không ngỡ ngàng sao được, vì sau 70 năm giải phóng phụ nữ, sau 30 năm đổi mới, với nhiều cuộc tuyên truyền về bình đẳng giới, trong đó có 15 năm thực hiện phong trào Xây dựng gia đình văn hóa, với con số 16 triệu gia đình văn hóa (thời điểm năm 2014), nhưng xem ra lối sống văn minh trong XH còn rất … thiếu văn minh. Đó là tại Hội thảo công bố Kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em – phụ nữ (MICS) được tổ chức vào ngày 4/9 cho biết, có tới hơn 50% phụ nữ chấp nhận cho chồng bạo hành (không thấy công bố tổng số phụ nữ được điều tra).
Bỗng ngẩn ngơ tự hỏi, trong số hơn 50% phụ nữ chấp nhận bị chồng bạo hành, có bao nhiêu người nằm trong diện 16 triệu gia đình văn hóa?
Chả lẽ đó lại là một thứ “đẳng cấp” giới của người Việt tạo ra riêng mình?
Đến bao giờ thì văn hóa nước Việt thực sự có đột phá lớn như nhìn nhận của Gs Trần Ngọc Thêm? Khi mà cái nguy cơ tư duy văn hóa tiểu nông, làng xã sau lũy tre làng, lấy “lệ” nằm trên “luật” còn được người Việt ưa chuộng như bóng với hình.
Và như vậy, con đường hội nhập kinh tế và văn hóa của nước Việt còn… mấy quăng dao?
Kỳ Duyên
Theo Vietnamnet