Thi hành án dân sự là gì? Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự
Hiện nay, pháp luật không có định nghĩa về thi hành án dân sự. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 1 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi 2014) có thể hiểu thi hành án dân sự làtrình tự, thủ tục thi hành:
- Bản án, quyết định dân sự;
- Hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự;
- Phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án;
- Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản;
- Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành;
- Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại.
Theo khoản 2 Điều 13 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi 2014), cơ quan thi hành án dân sự bao gồm:
- Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh);
- Cơ quan thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện);
- Cơ quan thi hành án quân khu và tương đương (cơ quan thi hành án cấp quân khu).
Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Quản lý, chỉ đạo về thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm:
+ Bảo đảm việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự;
+ Chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện; hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự cho Chấp hành viên, công chức khác của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn;
+ Kiểm tra công tác thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện;
+ Tổng kết thực tiễn thi hành án dân sự; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
- Trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 Luật Thi hành án dân sự 2008.
- Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan Công an trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người có nghĩa vụ thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008.
- Thực hiện quản lý công chức, cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
- Giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện trách nhiệm, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 173 Luật Thi hành án dân sự 2008.
- Báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật; báo cáo Tòa án về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu.
(Điều 14 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi 2014)
Cơ quan thi hành án cấp quân khu có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 Luật Thi hành án dân sự 2008.
- Tổng kết thực tiễn công tác thi hành án theo thẩm quyền; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng; báo cáo Tòa án về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật này.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng của quân khu trong việc quản lý cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí và phương tiện hoạt động của cơ quan thi hành án cấp quân khu theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.
- Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan thi hành án phạt tù trong quân đội trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người có nghĩa vụ thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù.
- Giúp Tư lệnh quân khu và tương đương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 172 Luật Thi hành án dân sự 2008.
(Điều 15 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi 2014)
Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 Luật Thi hành án dân sự 2008.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008.
- Thực hiện quản lý công chức, cơ sở vật chất, kinh phí và phương tiện hoạt động được giao theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
- Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
- Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự.
- Giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 174 Luật Thi hành án dân sự 2008.
- Báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật; báo cáo Tòa án về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu.
(Điều 16 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi 2014)
>>> Xem thêm: Ai phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự? Khi nào bị cưỡng chế thi hành án dân sự?
Diễm My