Vũ khí quân dụng là gì? Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 sửa đổi 2019 quy định vũ khí quân dụng bao gồm các vũ khí sau:
- Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để thi hành công vụ, bao gồm:
+ Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
+ Vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
+ Vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
+ Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
- Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để thi hành công vụ.
2. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng
Căn cứ Điều 18 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định về đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng như sau:
- Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng bao gồm:
+ Quân đội nhân dân;
+ Dân quân tự vệ;
+ Cảnh sát biển;
+ Công an nhân dân;
+ Cơ yếu;
+ Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
+ Kiểm lâm, Kiểm ngư;
+ An ninh hàng không;
+ Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan.
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển và Cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
- Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Tại Điều 20 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 sửa đổi 2019 quy định về thủ tục trang bị vũ khí quân dụng như sau:
(1) Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị của cơ quan, đơn vị nêu rõ nhu cầu, điều kiện, số lượng, chủng loại, kèm theo văn bản phê duyệt của lãnh đạo Bộ, ngành;
(2) Bản sao quyết định thành lập cơ quan, đơn vị;
(3) Giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ;
Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:
Bước 1:
Hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định về lập thành 01 bộ và nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;
Bước 2:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy phép trang bị vũ khí quân dụng và hướng dẫn cơ quan, đơn vị thực hiện việc trang bị; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
*Thời hạn của giấy phép: Giấy phép trang bị vũ khí quân dụng có thời hạn 30 ngày.
Đối với thủ tục trang bị vũ khí quân dụng đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển và Cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tại Điều 21 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định về thủ tục cấp Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng như sau:
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng bao gồm:
(1) Văn bản đề nghị nêu rõ số lượng, chủng loại, nước sản xuất, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu của từng vũ khí quân dụng;
(2) Bản sao Giấy phép trang bị vũ khí quân dụng;
(3) Bản sao hóa đơn hoặc bản sao phiếu xuất kho;
(4) Giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ;
Hồ sơ đề nghị cấp đổi, cấp lại Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng bao gồm:
(1) Văn bản đề nghị nêu rõ lý do;
(2) Số lượng, chủng loại, nước sản xuất, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu của từng vũ khí quân dụng;
(3) Giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ.
Trường hợp mất, hư hỏng Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng thì trong hồ sơ phải có văn bản nêu rõ lý do mất, hư hỏng và kết quả xử lý;
- Thủ tục cấp Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:
Bước 1: Hồ sơ quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 lập thành 01 bộ và nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;
Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra thực tế, cấp Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
Thời hạn giấy phép: Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng chỉ cấp cho cơ quan, đơn vị được trang bị và có thời hạn 05 năm. Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng hết hạn được cấp đổi; bị mất, hư hỏng được cấp lại.
Đối với thủ tục cấp Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng cho đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển và Cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Căn cứ Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định về nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng
- Khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, việc sử dụng vũ khí quân dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc phòng.
- Khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo nguyên tắc sau đây:
+ Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng;
+ Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.
Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay;
+ Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
+ Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.
- Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều Điều 22, Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền.
Người ra mệnh lệnh phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 22, Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, quy định khác của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
- Người được giao sử dụng vũ khí quân dụng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng vũ khí quân dụng đã tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
Trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng vũ khí quân dụng để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngọc Nhi