Chứng minh nhân dân 2 mặt chứa những thông tin gì?
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân.
Chứng minh nhân dân hình chữ nhật dài 85,6 mm, rộng 53,98 mm, hai mặt Chứng minh nhân dân in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.
Mặt trước chứng minh nhân dân, mặt sau chứng minh nhân dân chứa các thông tin sau:
- Mặt trước chứng minh nhân dân:
+ Bên trái, từ trên xuống: hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 14 mm; ảnh của người được cấp Chứng minh nhân dân cỡ 20 x 30 mm; có giá trị đến (ngày, tháng, năm).
+ Bên phải, từ trên xuống: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; chữ “Chứng minh nhân dân” (màu đỏ); số; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú.
- Mặt sau chứng minh nhân dân:
+ Trên cùng là mã vạch 2 chiều.
+ Bên trái, có 2 ô: ô trên, vân tay ngón trỏ trái; ô dưới, vân tay ngón trỏ phải.
+ Bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhân dạng; ngày, tháng, năm cấp Chứng minh nhân dân; chức danh người cấp; ký tên và đóng dấu.
(Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 170/2007/NĐ-CP, Nghị định 106/2013/NĐ-CP)
- Đối tượng được cấp chứng minh nhân dân: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi tắt là công dân) có nghĩa vụ đến cơ quan Công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân theo quy định của Nghị định này.
Mỗi công dân chỉ được cấp một Chứng minh nhân dân và có một số chứng minh nhân dân riêng.
- Các đối tượng sau đây tạm thời chưa được cấp Chứng minh nhân dân:
+ Những người đang bị tạm giam, đang thi hành án phạt tù tại trại giam; đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc[5], cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Những người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng điều khiển hành vi của mình.
Các trường hợp nói ở khoản 1, khoản 2 điều này nếu khỏi bệnh, hết thời hạn tạm giam, thời hạn thi hành án phạt tù hoặc hết thời hạn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được cấp Chứng minh nhân dân.
(Điều 3, 4 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 170/2007/NĐ-CP, Nghị định 106/2013/NĐ-CP)
Việc sử dụng chứng minh nhân dân được quy định tại Điều 7 Nghị định 05/1999/NĐ-CP như sau:
- Công dân được sử dụng Chứng minh nhân dân của mình làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch; xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát. Số Chứng minh nhân dân được dùng để ghi vào một số loại giấy tờ khác của công dân.
- Nghiêm cấm việc làm giả, tẩy xóa, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, thế chấp... Chứng minh nhân dân.
Diễm My