Quy định về đăng ký tập sự hành nghề luật sư

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
09/12/2022 16:57 PM

Cho hỏi để đăng ký tập sự hành nghề luật sư cần đáp ứng điều kiện gì? Và hồ sơ đăng ký tập sự gồm những gì? - Minh Châu (Bình Thuận)

Quy định về đăng ký tập sự hành nghề luật sư

Quy định về đăng ký tập sự hành nghề luật sư (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đăng ký tập sự hành nghề luật sư

1.1 Điều kiện đăng ký tập sự hành nghề luật sư

Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 10/2021/TT-BTP, người đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 10/2021/TT-BTP đăng ký tập sự tại Đoàn Luật sư nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự. Cụ thể, người đáp ứng các điều kiện sau thì được đăng ký tập sự hành nghề luật sư:

- Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;

- Có Bằng cử nhân luật hoặc Bằng thạc sỹ luật;

- Có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư tại Việt Nam hoặc Quyết định công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài hoặc giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề luật sư nhưng thuộc trường hợp phải tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Luật sư.

1.2 Hồ sơ đăng ký tập sự hành nghề luật sư

Hồ sơ đăng ký tập sự theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 10/2021/TT-BTP gồm có:

- Giấy đề nghị đăng ký tập sự hành nghề luật sư theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BTP;

- Giấy xác nhận về việc nhận tập sự hành nghề luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự;

- Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;

- Bản sao Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư tại Việt Nam hoặc bản sao Quyết định công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài hoặc bản sao giấy tờ chứng minh được giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 Luật Luật sư.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư ghi tên người tập sự vào danh sách người tập sự của Đoàn Luật sư và cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư cho người tập sự theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BTP.

Trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của Thông tư 10/2021/TT-BTP.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư gửi văn bản thông báo cho tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự.

(Khoản 3 Điều 5 Thông tư 10/2021/TT-BTP)

2. Nhận tập sự hành nghề luật sư

Điều 4 Thông tư 10/2021/TT-BTP quy định về nhận tập sự hành nghề luật sư như sau:

- Người muốn tập sự hành nghề luật sư lựa chọn và thoả thuận với một tổ chức hành nghề luật sư để tập sự. 

Tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự cử luật sư hướng dẫn và gửi Giấy xác nhận về việc nhận tập sự hành nghề luật sư cho người tập sự và Đoàn Luật sư ở địa phương nơi đặt trụ sở.

- Trong trường hợp người muốn tập sự hành nghề luật sư không thoả thuận được với tổ chức hành nghề luật sư về việc nhận tập sự thì có thể đề nghị Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư giới thiệu tổ chức hành nghề luật sư để tập sự. 

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư có trách nhiệm phân công một luật sư thành viên của Đoàn là người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư nhận người đó vào tập sự. 

Người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư được phân công mà từ chối nhận tập sự khi không có lý do chính đáng thì bị xem xét, xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Thông tư 10/2021/TT-BTP.

- Tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự bao gồm:

+ Văn phòng luật sư, công ty luật; chi nhánh của văn phòng luật sư, công ty luật;

+ Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam; công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

3. Nội dung tập sự hành nghề luật sư

Nội dung tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 6 Thông tư 10/2021/TT-BTP, bao gồm:

- Pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

- Kỹ năng nghiên cứu, thu thập tài liệu và đề xuất hướng giải quyết hồ sơ vụ việc.

- Kỹ năng tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.

- Kỹ năng tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.

- Kỹ năng tư vấn pháp luật.

- Kỹ năng đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.

- Kỹ năng thực hiện dịch vụ pháp lý khác.

>> Xem thêm: Quy định về gia hạn tập sự hành nghề luật sư

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,708

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]